Ngày 7/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã quyết định nâng mức độ phản ứng khẩn cấp đối với dịch Ebola lên cấp 1.
Theo một người phát ngôn của CDC, cấp 1 là mức phản ứng cao nhất tại trung tâm tác chiến khẩn cấp này.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2003, trung tâm chỉ kích hoạt mức này ba lần, trong đó hai lần trước là khi xảy ra cơn bão Katrina vào năm 2005 và dịch cúm H1N1 vào năm 2009.
Hiện có 240 nhân viên của CDC đang tham gia các hoạt động phòng chống dịch Ebola, với 30 người đang hoạt động tại các vùng bị ảnh hưởng và một số người đang trên đường tới các khu vực này.
Giám đốc CDC, tiến sỹ Tom Frieden nhận định hai nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát chưa từng có của dịch Ebola hiện nay là công tác kiểm soát lây nhiễm lỏng lẻo trong quá trình chăm sóc bệnh nhân và các tục lệ mai táng không đảm bảo an toàn của người dân khu vực Tây Phi.
Ông Frieden cho rằng dịch Ebola lây lan tới Mỹ thông qua con đường du lịch là điều "không thể tránh khỏi," song ông khẳng định dịch sẽ không bùng phát tại Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi dịch Ebola bùng phát đầu năm, tính đến ngày 6/8 đã có ít nhất 1.711 người nhiễm bệnh, trong đó 932 người tử vong, tập trung chủ yếu tại Guinea, Liberia, Sierra Leone và đang gia tăng tại Nigeria.
Ngày 7/8, các vùng khởi phát dịch Ebola ở Sierra Leone đã được cách ly hoàn toàn theo lệnh của Tổng thống Ernest Bai Koroma. Thời hạn cách ly dự kiến kéo dài 60-90 ngày, đồng thời cảnh sát và quân đội phỏng tỏa một số khu vực nhằm ngăn chặn mọi phương tiện ra vào.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Liberia Augustine Kpehe Ngafuan cho biết hệ thống y tế nước này đang dần sụp đổ do các bệnh viện bị đóng cửa và nhiều nhân viên y tế bỏ chạy khỏi các vùng dịch.
Trong khi đó, giới chức Nigeria đã quyết định kiểm tra sức khỏe mọi hành khách đi nước ngoài xuất phát từ tất cả các sân bay trong nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
Theo Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu, công tác kiểm tra sẽ bắt đầu từ tuần tới và nước này đang nỗ lực bổ sung nhân viên an ninh bên cạnh các thiết bị sẵn có.
Diễn biến phức tạp của dịch Ebola đã khiến các chính phủ hối thúc giới chuyên gia đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm thuốc điều trị.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang có trong tay ba loại thuốc kết quả đầy hứa hẹn khi thử nghiệm trên khỉ. Trong số này, thuốc của Công ty Mapp Biopharmaceutical, có trụ sở tại bang California, Mỹ, đã thu hút sự quan tâm của thế giới sau khi đem lại kết quả điều trị tích cực cho hai nhân viên cứu trợ Mỹ bị nhiễm Ebola tại Tây Phi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng các loại thuốc này chưa thể được cung cấp đại trà do còn phải trải qua một quá trình thử nghiệm trên người.
Theo một quan chức Mỹ, trước các kêu gọi ngày càng tăng về việc sử dụng thuốc thí nghiệm để cứu chữa các bệnh nhân Ebola, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thành lập một nhóm làm việc đặc biệt với nhiệm vụ xem xét ban hành chính sách về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nới lỏng hạn chế đối với thuốc TKM-Ebola, do hãng Tekmira của Canada sản xuất./.