Mỹ viện trợ nhân đạo hơn 530 triệu USD các nước châu Phi

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 6/3 đã thông báo gói viện trợ nhân đạo trị giá 533 triệu USD dành cho các nước đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xung đột ở châu Phi.
Mỹ viện trợ nhân đạo hơn 530 triệu USD các nước châu Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: sistersofmercy.org)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 6/3 đã thông báo gói viện trợ nhân đạo trị giá 533 triệu USD dành cho các nước đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xung đột ở châu Phi, bao gồm Ethiopia, Somalia, Nam Sudan, Nigeria và một số quốc gia ở khu vực Hồ Chad.

Theo hãng thông tấn KUNA của Kuwait, ông Tillerson đã thông báo về gói cứu trợ trên trong bài phát biểu tại Virginia trước thềm chuyến công du kéo dài một tuần tới một số nước châu Phi. Gói viện trợ mới sẽ cung cấp lượng thực khẩn cấp và hỗ trợ dinh dưỡng cho hàng triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng do hậu quả của tình trạng xung đột hoặc hạn hán hiện nay.

Người dân tại các nước châu Phi nói trên sẽ được cung cấp hàng chục nghìn tấn lương thực-thực phẩm, nước uống cùng các chương trình vệ sinh và chăm sóc y tế...Ngoài ra, gói viện trợ của Mỹ cũng ưu tiên các chương trình bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

[224 triệu người trên toàn châu Phi đang bị suy dinh dưỡng]

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, gói viện trợ nói trên sẽ dành gần 84 triệu USD cho người dân bị ảnh hưởng ở Nam Sudan, hơn 110 triệu USD cho Ethiopia, hơn 110 triệu USD cho Somalia, hơn 128 triệu USD cho người dân ở Nigeria và một số nước thuộc khu vực Hồ Chad.

Ông Tillerson cho biết Mỹ đã hỗ trợ thành lập một tổ chức phát triển tài chính cho châu Phi. Ông cũng so sánh các nỗ lực nhằm thúc đẩy "tăng trưởng bền vững"của Mỹ tại châu Phi với nỗ lực của Trung Quốc. Bắc Kinh gần đây cam kết chi 124 tỷ USD cho sáng kiến "Con đường Tơ lụa" để mở rộng các tuyến đường kết nối giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và nhiều khu vực khác. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là "sự phụ thuộc bị khuyến khích," cho rằng điều này sẽ gây nguy hại cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như sự ổn định kinh tế-chính trị trong dài hạn của châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục