Tuần thứ 2 liên tiếp xuất hiện top tăng giá, mã DAT của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và Phát triển thủy sản thậm chí còn có mức tăng nóng hơn trước đó 1 tuần và "nhảy" lên vị trí quán quân trên bảng xếp hạng.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 18/12 cho thấy, trên sàn HoSE, DAT trọn vẹn 1 tuần tăng giá trong đó có tới 3 phiên nhuộm sắc tím. Công ty thuộc nhóm ngành sản xuất nông nghiệp này đã có thêm tổng cộng 10.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng giá 30,5%.
Kết quả kinh doanh gần đây của DAT khá tích cực với mức doanh thu và lợi nhuận tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu thuần của công ty mẹ trong quý 3 đạt hơn 107 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của DAT qua đó được tính toán là gần 7 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số hơn 1,8 tỷ đồng trong quý 3 năm 2014.
Giải trình với cơ quan chức năng, đại diện DAT cho biết, kết quả trên do công ty đầu tư một dây chuyền sản xuất được đưa vào hoạt động từ cuối tháng Sáu, tăng công suất hoạt động của nhà máy bột cá.
Ngoài ra, theo đánh giá, việc đầu tư tiếp quản dự án nhà máy tinh luyện dầu đã giúp công ty cho ra các sản phẩm giá trị gia tăng như: dầu ăn tinh luyện, dầu xả,... mở ra hướng đi mới thay vì các sản phẩm truyền thống. Hoạt động này đã giúp DAT tăng doanh thu trong quý vừa qua.
Đứng vị trí thứ 2 nhóm tăng giá là mã CIG của Công ty cổ phần COMA 18. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp CIG xuất hiện trong nhóm tăng giá mạnh nhất trên sàn.
Nếu tính cả 5 phiên giao dịch tuần này, CIG đã có liên tiếp 10 phiên tăng kịch trần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12, mã này đang có mức giá là 2.200 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, kết quả kinh doanh quý 3 vừa công bố của CIG không mấy lạc quan. Doanh thu của đơn vị chỉ là gần 21 tỷ đồng trong quý 3, thấp hơn nhiều so với mức 35 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tổng mức lỗ của CIG trong quý lên tới hơn 18 tỷ đồng. Trong quý 3 năm ngoái, CIG cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế âm tuy nhiên con số chỉ là trên 3,6 tỷ đồng.
Ở phía ngược lại, mã SVT của Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần. Đây chính là cái tên từng làm mưa làm gió trong tháng Chín và tháng Mười khi có tới 6 tuần góp mặt trong top tăng giá.
Ngoài 1 phiên duy nhất đi ngang đầu tuần, SVT sau đó đã có tới 4 phiên chạm sàn. Sau 5 phiên, SVT đã mất 4.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 25%.
Theo báo cáo, doanh thu của SVT tính riêng quý 3 đã đạt hơn 45 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức trên 9 tỷ đồng quý 3 năm ngoái. Tính chung 9 tháng, doanh thu của SVT đã vượt ngưỡng 84 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế kể từ đầu năm tới hết tháng Chín của SVT qua đó được ghi nhận ở mức gần 5,3 tỷ đồng. Trước đó, trong 9 tháng năm ngoái, mức lãi được công bố chỉ là trên 4,1 tỷ đồng.
Bên sàn HNX, mã C92 của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 sau 2 tuần lặn ngụp trong nhóm tăng giá đã quay đầu và có liên tiếp 5 phiên tăng giá tuần này.
Tổng mức tăng sau 5 phiên của DST lên tới 6.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 56%, bỏ xa những vị trí còn lại trong nhóm tăng giá trên sàn.
Báo cáo kinh doanh quý 3 công bố trước đó của C92 cho thấy, mặc dù có doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của C92 lại sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái,
Cụ thể, doanh thu của đơn vị này đạt trên 95 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, tăng so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mức lãi theo báo cáo chỉ là trên 900 triệu đồng, thấp hơn lợi nhuận đạt gần 909 triệu đồng của quý 3 năm 2014.
Top tăng giá tuần này cũng xuất hiện 1 cái tên cũ là mã DST của Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục Nam Định. Đây chính là quán quân tuần trước với tỷ lệ tăng giá lên tới gần 56%.
Tuần này, mặc dù không giữ được mức tăng mạnh như trước nhưng với tỷ lệ tăng giá gần 20%, DST vẫn góp mặt trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 5.
Báo cáo quý 3 của DST cho thấy lợi nhuận của đơn vị này đang sụt giảm nhiều so với quý 3 năm 2014.
Cụ thể, doanh thu của DST quý 3 năm nay là trên 16 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là gần 74 triệu đồng. Cũng với mức doanh thu tương đương nhưng lợi nhuận của DST cùng kỳ năm trước lên tới xấp xỉ 321 triệu đồng.
Theo lý giải của đại diện DST, mức lợi nhuận trong năm nay thấp hơn năm ngoái do các khoản chi phí trong 9 tháng năm nay chủ yếu tập trung phải quý 3.
Với nhóm giảm giá, mã SGH của Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm gần 27%.
Mở đầu tuần với 1 phiên tăng kịch trần, SGH sau đó bất ngờ tụt dốc với 4 phiên liên tiếp giảm giá trong đó có 1 phiên nện sàn. Mã này đã mất tổng cộng 11.800 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên giao dịch.
Thông tin gần đây liên quan tới SGH là báo cáo quý 3 với mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của SGH trong quý đạt gần 8,6 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế trên 1,6 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, những con số trên lần lượt chỉ là gần 6,9 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng.
Nhóm giảm giá cũng xuất hiện mã ALT của Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình ở vị trí thứ 5. Đây là mã được nhắc tới nhiều trong khoảng thời gian đầu tháng với đà tăng khá nóng. ALT đã từng là quán quân nhóm tăng giá trên sàn cách đây 2 tuần.
Theo báo cáo quý 3 của ALT, mặc dù có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng công ty vẫn lãi khoảng hơn 301 triệu đồng trong quý. Trong khi ấy, cùng kỳ năm ngoái, ALT phải chịu khoản lỗ lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Giải trình với cơ quan chức năng, đại diện ALT cho hay: "Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý 3 năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do doanh thu công ty mẹ phần lớn là dịch vụ, dẫn đến tỷ lệ giá vốn trên doanh thu giảm so với cùng kỳ."/.