Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Nối tiếp BGM, một cái tên khác trong nhóm khai khoáng là BMC tiếp tục giữ vị trí quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE tuần đầu tháng Ba.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Nối tiếp BGM, một cái tên khác trong nhóm khai khoáng là BMC tiếp tục giữ vị trí quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE tuần đầu tháng Ba.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 4/3 cho thấy, trên sàn HoSE, ngoài 1 phiên cuối tuần mất giá, mã BMC của Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định có tới 4 phiên nhuộm sắc xanh.

Tổng mức tăng sau 5 phiên của BMC là 3.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng gần 21%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của BMC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty này đều giảm khá mạnh. Doanh thu thuần trong năm 2015 được thống kê là trên 123 tỷ đồng, thấp hơn mức gần 154 tỷ đồng một năm trước đó.

Lợi nhuận sau thuế của BMC qua đó chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng. Trước đó một năm, mức lãi của BMC lên tới hơn 21 tỷ đồng.

Chiều hướng đi xuống của lợi nhuận thực tế đã đi xuống trong khoảng 4 năm nay.

Tuy nhiên, trong những năm 2012-2013, mức lãi vẫn được giữ ở ngưỡng khá cao, khoảng trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp sau đó, tình hình kinh doanh của BMC đã sụt giảm khá mạnh.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.

Chi có duy nhất 1 phiên cuối tuần tăng giá, 4 phiên còn lại của TTF đều chìm sâu trong sắc đỏ. TTF chốt phiên ngày 4/3 chỉ còn 26.000 đồng/cổ phiếu, giảm 5.200 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước, tương đương mức giảm gần 17%.

Thông tin gần đây nhất liên quan tới TTF là kết quả kinh doanh năm 2015 với những con số tăng đáng kể so với năm 2014. Doanh thu của TTF trong năm 2015 lên tới trên 2.560 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức xấp xỉ 1.459 tỷ đồng cuối năm 2014.

Nếu như năm 2014, lợi nhuận sau thuế của TTF chỉ đạt hơn 67 tỷ đồng thì một năm sau đó, mức lãi đã lên tới trên 305 tỷ đồng.

Năm 2014 và năm 2015 cũng là 2 năm liên tiếp TTF kinh doanh có lãi. Trong năm 2012 và 2013, mặc dù cũng có doanh thu thuần "nghìn tỷ đồng" nhưng lợi nhuận sau thuế của TFF được tính toán âm lần lượt là 2,9 tỷ đồng và 4,69 tỷ đồng.

Bên sàn HNX, tỷ lệ tăng giá khá "sốc" của nhóm tăng giá trong tuần trước đã không còn xuất hiện tuần này.

Mã VC1 của Công ty cổ phần Xây dựng số 1 là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá là 29,5%. Trước đó, nhóm tăng giá trên sàn HNX có vị trí quán quân với biên độ tăng lên tới hơn 52%, một số mã trong nhóm cũng duy trì mức biến động hơn 41%.

Với VC1, mã này đã có tổng cộng 2 phiên đi ngang và 3 phiên tăng giá trong tuần này và hiện có giá 18.000 đồng/cổ phiếu. So với cuối tuần trước, VC1 đã có thêm 4.100 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 29,5%.

Trong báo cáo quý 4 năm 2015 của VC1, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt mức gần 6,9 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó

Nguyên nhân được đại diện VC1 chỉ ra là do công ty trong thời kỳ hoàn nhập được nhiều công trình nợ khó đòi nên khoản dự phòng phải trích lập giảm. Điều này giúp chi phí của công ty giảm. Ngoài ra, chi phí bán hàng trong quý giảm cũng giúp lợi nhuận của công ty tăng hơn 10% so với quý 4 năm 2014.

Cũng trong nhóm tăng giá, đáng chú ý có mã TAG của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh ở vị trí thứ 5. Đây chính là mã mất giá nhiều nhất trong tuần cuối tháng Hai.

Tới tuần này, tình hình của TAG khá khởi sắc khi có thêm tổng cộng 5.400 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 25%.

Như đã thông tin trước đó, lợi nhuận sau thuế của TAG trong quý 4 năm 2015 chỉ được ghi nhận ở mức hơn 2,6 tỷ đồng, thấp hơn con số gần 7,7 tỷ đồng của quý 4 năm 2014.

Theo lãnh đạo TAG, việc biến động trên do công ty mở thêm các siêu thị mới vào cuối năm 2014 và cuối năm 2015. Tuy nhiên, các siêu thị mới này mới đi vào hoạt động nên doanh thu chưa bù đắp đủ chi phí.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Với nhóm mất giá, mã CAN của Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm hơn 34%.

CAN chỉ giữ được sắc vàng trong 1 phiên duy nhất ngày 2/3 trong khi ấy với 4 phiên còn lại, sắc đỏ là màu duy nhất bao trùm. Kết thúc tuần, CAN mất tới 13.600 đồng/cổ phiếu và hiện có giá 26.300 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo quý 4 năm 2015 cho thấy, mặc dù doanh thu công ty mẹ của CAN chỉ tăng gần 4% nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 149%.

Cụ thể, lợi nhuận của công ty mẹ trong quý 4 năm 2015 đạt xấp xỉ 3,2 tỷ đồng trong khi một năm trước đó, mức lãi chỉ là gần 1,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đại diện CAN chỉ ra là do công tác bán hàng được đẩy mạnh, sản lượng tiêu thụ tăng 3,82% trong khi giá vốn bán hàng chỉ tăng 1,49%. Đây là kết quả sau khi công ty tiến hành các biện pháp giảm giá thành sản phẩm như cải tiến công nghệ, thực hiện tiếp kiệm chi phí sản xuất.

L62, TPH, TSB và VNF là những mã đứng sau CAN với mức giảm khoảng 18,31%-25,97%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục