Sau thông tin các ngân hàng có thể đồng loạt giúp Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc lại các khoản nợ, mã HNG của Công ty cổ phần Nông Nghiệp Quốc Tế Hoàng Anh Gia Lai không ngoài dự đoán đã có tên trong top tăng giá trên sàn HoSE.
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 29/4 cho thấy, ngoài phiên ngày 28/4 đi ngang, HNG đã có 4 phiên tăng giá trong đó 2 phiên tăng kịch trần.
HNG cùng với HAG chính là 2 cái tên được chú ý trong tuần qua vừa qua với thông tin các ngân hàng lớn đồng loạt hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc các khoản nợ.
Trước đó, theo báo cáo, tổng giá trị vay trong năm 2015 của HNG là 12.200 tỷ đồng trong đó có 3.100 tỷ đồng ngắn hạn và 9.100 tỷ đồng dài hạn.
Từ tháng 11/2015, giá cổ phiếu HNG đã bắt đầu chuỗi ngày dài lao dốc. Từ mức khoảng gần 26.000 đồng/cổ phiếu cuối năm ngoái, HNG chỉ còn 6.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước.
Trong báo cáo sau kiểm toán của HNG, mức lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 744 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức lãi 735 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Đứng đầu nhóm tăng giá là TLH của Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên với tỷ lệ tăng giá gần 29%.
TLH vừa công bố báo cáo quý 1 năm nay với mức lợi nhuận lên tới hơn 48 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, con số báo lãi của TLH chỉ là hơn 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói là doanh thu quý 1 của TLH năm nay thấp hơn khá nhiều năm ngoái. Doanh thu 3 tháng đầu năm nay của TLH chỉ là gần 460 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước là trên 516 tỷ đồng. Tuy nhiên, với giá vốn bán hàng những tháng đầu năm thấp, chỉ hơn 416 tỷ đồng, TLH vẫn mang về số lãi gấp hàng chục lần cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên của TLH đã thông qua kế hoạch năm 2016 với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 290 tỷ đồng.
Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã ATA của Công ty cổ phần Ntaco.
ATA "tạm biệt" tháng Tư bằng một tuần giao dịch buồn khi có tới 4 phiên nện sàn. Sau 5 phiên giao dịch, mã này đã đánh rơi tổng cộng 900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm hơn 16%.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn nhắc nhở ATA về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 lần 2.
Theo cơ quan chức năng, tới ngày 19/4, phía sở vẫn chưa nhận được báo cáo nà của ATA. Phía Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị công ty khẩn trương công bố thông tin. Trường hợp tiếp tục vi phạm, đại diện cơ quan chức năng khẳng định sẽ xem xét xử lý vi phạm "ở mức độ cao hơn."
Bên sàn HNX, mã SPI của Công ty cổ phần Đá Spilit là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá gần 40%.
Với 4 phiên leo dốc tuần này, SPI đã tăng từ 4.300 đồng cổ phiếu cuối tuần trước lên 6.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 29/4.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán của TPH cho thấy tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.
Doanh thu của SPI trong năm 2015 lên tới hơn 72 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức 7 tỷ đồng một năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị này qua đó được tính toán ở mức gần 1,4 tỷ đồng.
Thực tế, mức lợi nhuận sau kiểm toán này cao hơn khá nhiều so với báo cáo của SPI trước đó. Mức lãi của SPI tính toán trong báo cáo của mình chỉ là hơn 804 triệu đồng.
Phía SPI đã có văn bản giải trình với cơ quan chức năng về sự chênh lệch trên. Theo đó, chi phí tài chính sau kiểm toán đã giảm hơn 2 tỷ đồng so với trước đó. Điều này theo đại diện SPI do phía kiểm toán yêu cầu điều chỉnh, tính lại lãi vay trong năm 2015.
Với nhóm mất giá, mã CTN của Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm là mã đứng đầu với tỷ lệ giảm gần 29%.
CTN đã có một tuần đáng quên với 5 phiên liên tiếp nện sàn. Mức giá hiện tại của CTN chỉ là 1.500 đồng/cổ phiếu, giảm 600 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.
Những thông tin gần đây liên quan tới CTN không mấy lạc quan. Với mức lỗ lên tới hơn 108 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ, CTN đang phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HNX.
Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu thuần của CTN chỉ đạt gần 215 tỷ đồng trong khi giá vốn bán hàng lên tới trên 252 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong năm qua của công ty theo tính toán đã âm khoảng 37,7 tỷ đồng. Tính cả 2 năm 2014-2015, CTN đã lỗ 108,8 tỷ đồng.
Theo đại diện CTN, trong quá trình quyết toán một số công trình như thủy điện Nho Quế 3, thủy điện DamBri, chủ đầu tư đã cắt giảm phần chi phí lán trại phụ trợ, không được thanh toán chi phí ăn ca làm đêm, không được bù giá nhiều loại vật tư và một số khoản chi phí khác.
Ngoài ra, lãnh đạo CTN cho rằng, nguồn vốn để thi công các dự án này đều dựa vào vốn vay ngân hàng trong khi có những dự án chủ đầu tư chậm thanh toán công nợ, công ty vẫn phải trả chi phí vay vốn. Từ năm 2003 đến năm 2015, công ty phải chi trả chi phí lãi vay lên tới 150,59 tỷ đồng./.