Nam Mỹ nỗ lực lập trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư

Các chuyên gia của UNASUR vừa thảo luận tại Ecuador về việc thành lập trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư của khối này.

Các chuyên gia của Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) vừa thảo luận tại thủ đô Quito của Ecuador về việc thành lập trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư của khối này nhằm thay thế các cơ quan trọng tài ngoài khu vực thường bị phê phán phục vụ lợi ích của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã xem xét dự thảo Hiệp định thành lập Trung tâm giải quyết tranh chấp về đầu tư của UNASUR, đồng thời bàn bạc về tính pháp lý, mục tiêu, phạm vi tài phán, chức năng, cơ chế, cơ cấu và vấn đề tài chính của việc thành lập trung tâm trên.

Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng nước đăng cai Ricardo Patiño nhấn mạnh sự cấp thiết thành lập trung tâm trên và coi đây là giải pháp bền vững, trong bối cảnh Nam Mỹ là khu vực có nhiều vụ tranh chấp về đầu tư nhất tại các tòa án trọng tài quốc tế.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ecuador phê phán các thể chế trọng tài quốc tế đặt lợi ích của các nhóm và tập đoàn xuyên quốc gia lên trên lợi ích của người dân, vì sống nhờ vào đơn kiện của các nhóm này.

Ông Patiño cũng nêu bật sự cần thiết khôi phục chủ quyền và thúc đẩy thành lập một trung tâm giải quyết tranh chấp hoạt động không thiên vị, với luật lệ rõ ràng, cho phép cân bằng lợi ích của các nhà nước tại Nam Mỹ và lợi ích của các nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng, đã đến lúc đầu tư tại các nước Nam Mỹ chủ yếu phục vụ lợi ích của người dân ở khu vực này.

Nhóm công tác về việc việc thành lập trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư của UNASUR sẽ tiếp tục nhóm họp trong những tháng tới để thể chế này sớm đi vào hoạt động.

Đề xuất thành lập Trung tâm giải quyết tranh chấp về đầu tư tại Nam Mỹ do Ecuador đưa ra năm 2008, nhằm thay các thiết chế như Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) của Ngân hàng thế giới.

Vì ICSID luôn bảo vệ quyền lợi của các công ty xuyên quốc gia khi có mâu thuẫn về đầu tư với các nước, năm 2007 Bolivia rút khỏi ICSID, và năm 2009 Ecuador cũng hành động tương tự.

Năm 2012, Venezuela cũng “chia tay” cơ quan này vì cho rằng trong 234 vụ tranh chấp được xử lý tính đến thời điểm đó, ICSID đã ra phán quyết 232 lần có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia, trong đó có toàn bộ 22 vụ kiện Nhà nước Venezuela với mức phạt khoảng 5 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục