NATO hối thúc Afghanistan sớm ký Hiệp ước an ninh

Ngoại trưởng các nước NATO đã hối thúc Tổng thống Afghanistan nhanh chóng ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ.
NATO hối thúc Afghanistan sớm ký Hiệp ước an ninh ảnh 1Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Ngoại trưởng các nước NATO tham dự hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 3/12, ngoại trưởng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nhanh chóng ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ, tạo khuôn khổ pháp lý để binh lính liên quân, chủ yếu là lính Mỹ, tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Các quan chức NATO cảnh báo việc từ chối ký hiệp ước mới này sẽ đe dọa an ninh ở Afghanistan và viện trợ nước ngoài dành cho nước này.

Mỹ và các nước thành viên khác của NATO tuyên bố nếu ông Karzai không nhanh chóng ký BSA thì đến cuối năm 2014, Washington và NATO buộc phải rút toàn bộ 84.000 binh lính đang đóng quân ở Afghanistan và hủy kế hoạch để lại đây từ 8.000-12.000 quân giúp huấn luyện và làm công tác cố vấn cho quân đội Afganistan sau thời gian này.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh nếu liên quân không thể triển khai sứ mệnh huấn luyện ở Afghanistan, điều này không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình an ninh ở Afghanistan mà còn tác động tiêu cực đến nguồn hỗ trợ tài chính nước ngoài dành cho Kabul. Ông tỏ ý hy vọng Tổng thống Kazai sẽ ký BSA với Mỹ "đúng lúc."

Về phần mình, Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi NATO tập trung thảo luận nhằm giúp các bên liên quan sớm ký BSA.

Trong bước đi phản ánh rõ quyết tâm ký bằng được BSA với Afghanistan trong năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gợi ý Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan có thể ký văn kiện này thay Tổng thống Karzai.

Phát biểu với báo giới tại Brussels, Ngoại trưởng Kerry cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismullah Khan Mohammadi, chính phủ hoặc một người nào đó có trách nhiệm đều có thể ký BSA, chứ không nhất thiết phải là Tổng thống Karzai.

Theo ông Kerry, BSA sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh NATO soạn thảo một số kế hoạch, bao gồm việc phân bổ các khoản viện trợ lớn cho chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan.

Các điều khoản trong BSA đã được giải quyết sau một năm tranh cãi. Tuy nhiên, ông Karzai sau đó lại đưa ra một số điều kiện, bao gồm việc thả tất cả tù nhân Afghanistan ra khỏi nhà tù Guantanamo của Mỹ và chấm dứt các hoạt động quân sự nhằm vào dân thường Afghanistan.

Trong chuyến thăm Kabul mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Susan Rice tuyên bố Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 nếu ông Karzai không ký BSA vào cuối năm nay.

Trong khi đó, các quan chức NATO khác cảnh báo không nhà đầu tư nào muốn "bơm" tiền vào Afghanistan nếu không có lực lượng quân sự nước ngoài giám sát cách thức giới chức nước nhận tài trợ sử dụng nguồn tiền này, lên tới 8 tỷ USD/năm.

Tháng trước, Hội đồng tộc trưởng Afghanistan đã thông qua BSA, song Tổng thống Karzai tuyên bố ông chỉ có thể ký văn bản này sau các cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 4/2014.

Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Estonia Urmas Paet đã ký tắt thỏa thuận đối tác bảo vệ an ninh mạng.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Estonia là một đồng minh cơ bản của Mỹ và cũng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực an ninh mạng và tự do mạng.

Hiện nay, Trung tâm an ninh mạng đặt tại Tallinn (Estonia) được coi là "bức tường lửa" của NATO.

Trung tâm này được thành lập theo sáng kiến của Estonia sau khi nước này phải hứng chịu các cuộc tấn công của tin tặc hồi năm 2007.

Về phần mình, ông Kerry cho biết Mỹ và Estonia muốn khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông mở, an toàn và tin cậy.

Liên quan hoạt động của NATO ở nước ngoài, Pháp đã quyết định rút toàn bộ 300 quân của mình trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo (KFOR) để tập trung vào các chiến dịch khác ở Mali và Trung Phi.

Kế hoạch này sẽ được hoàn tất vào tháng 6/2014. Tổng Thư ký NATO Rasmussen đánh giá cao những đóng góp hiệu quả của Pháp trong KFOR, đồng thời cho biết NATO sẽ duy trì số lượng quân vừa đủ cho lực lượng KFOR để đảm bảo thành công cho hiệp định hòa bình giữa Belgrade và Pristina./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục