Nét đẹp “đạo-đời” chung tay chống dịch trên thành phố mang tên Bác

Chỉ 5 ngày sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát động, có hơn 1.000 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đăng ký tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố.
Nét đẹp “đạo-đời” chung tay chống dịch trên thành phố mang tên Bác ảnh 1Sư cô Thích nữ Nguyên Thành, thế danh Trần Thị Thuyết được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn một nghìn đồng bào có đạo trên địa bàn thành phố đã xung phong tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19.

Hành động không quản ngại hiểm nguy của những chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tại thành phố đã phát huy truyền thống tốt đẹp “đồng hành cùng dân tộc” của các tôn giáo Việt Nam, tạo nên nét đẹp “đạo-đời” cùng chung tay, góp sức trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ 5 ngày sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát động, đã có hơn 1.000 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đăng ký tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố.

Theo ông Thạch Nghi Xuân, Phó trưởng Ban Dân tộc-Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, do yêu cầu đảm bảo phòng dịch khi làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm nên chỉ có khoảng 700 người đáp ứng đủ yêu cầu về sức khỏe, trình độ, độ tuổi và đang cư trú tại thành phố được tham gia đợt công tác thiện nguyện lần này.

Các tình nguyện viên được lựa chọn là những người khỏe mạnh, ở độ tuổi từ 18-40, cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên người có kiến thức y khoa và kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe. Các tình nguyện viên có thể tham gia đợt thiện nguyện trong thời gian 1 hoặc 2 tháng.

[Dịch COVID-19: Chung tay hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch]

Là một những người nhiệt tình tự nguyện đăng ký ngay từ ngày đầu, sư cô Thích nữ Nguyên Thành, 22 tuổi, hiện đang tu tập tại Tu viện Tâm Thông, huyện Củ Chi cho biết tình nguyện hỗ trợ lực tuyến đầu chống dịch vừa tuân theo lời kêu gọi của Giáo hội vừa thuận theo mong muốn của bản thân góp sức cho cộng đồng trong một môi trường mới.

Đăng ký tham gia hỗ trợ hậu cần nhưng chưa có kinh nghiệm về công tác y tế, sư cô Nguyên Thành xác định rõ nguy cơ lây nhiễm bệnh và áp lực khi làm việc trong môi trường có các bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, sư cô Nguyên Thành cũng sẵn sàng tâm thế, nỗ lực hết mình để chung tay cùng nhân dân thành phố vượt qua đại dịch.

"Là một người con Phật, tôi nguyện đem sức trẻ của mình tham gia phụng hiến, dấn thân, mong muốn hỗ trợ giữ gìn sức khỏe, tính mạng của những người mắc COVID-19,” sư cô Nguyên Thành chia sẻ.

Có mặt tại Bệnh viện Quận 11 để tiêm vaccine trước ngày lên đường làm nhiệm vụ (22/7), phật tử Bùi Văn Thanh, ở phường 13, quận 6 cho biết hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết chống dịch của Nhà nước, Chính phủ và vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, phật tử Bùi Văn Thanh cùng một số chư tăng ni, phật tử trên địa bàn đã đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện đợt này để cùng toàn dân phòng, chống dịch.

“Tôi tin tưởng rằng, cùng với các tình nguyện viên khác và mọi người dân thành phố, chúng ta cùng chung tay đoàn kết sẽ nhất định chiến thắng dịch bệnh," phật tử Bùi Văn Thanh chia sẻ.

Có chung quyết tâm giúp sức cho cộng đồng, nữ tu Dòng tu Thánh Tâm truyền Giáo Osala, chị Nguyễn Thị Thu Hà, 34 tuổi ngụ tại phường 9, quận 3, chia sẻ theo lời kêu gọi của đất nước, của Giáo hội, chị đăng ký tham gia đoàn tình nguyện phục vụ tuyến đầu chống dịch. Trong quá trình tham gia lớp tập huấn do Sở Y tế thành phố tổ chức, chị được các bác sỹ hướng dẫn kỹ năng làm việc cơ bản cũng như cảnh báo nguy hiểm dễ lây nhiễm trong môi trường bệnh viện có bệnh nhân COVID-19.

Nét đẹp “đạo-đời” chung tay chống dịch trên thành phố mang tên Bác ảnh 2Đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh xung phong đăng ký tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

“Tôi xác định đây là cơ hội, hạnh phúc khi cùng giáo hội, cùng đất nước trong phụng sự, hỗ trợ anh chị em vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng, dù mình chưa có kinh nghiệm y tế nhưng chỉ cần có tình yêu, sự khao khát cống hiến và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức được người khác chỉ dạy mình có thể sống, phục vụ cộng đồng," chị Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Sau khi hoàn tất công tác tập huấn, kiểm tra, tầm soát SARS-CoV-2 và tiêm vaccine, tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn được phân bổ về các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19, bệnh viện hồi sức COVID-19 hoặc khu cách ly y tế tập trung để hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ khác trong công tác phòng, chống dịch.

Nói về đợt thiện nguyện của đồng bào có đạo tại thành phố, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao tinh thần tích cực, không quản ngại vất vả, khó khăn của các tình nguyện viên tôn giáo sẵn sàng đi vào nơi nguy hiểm để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó là việc làm thể hiện vai trò tích cực của tôn giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần phục sự đất nước, “tốt đời-đẹp đạo” trong mọi hoàn cảnh của đất nước.

Theo ông Ngô Thanh Sơn, hoạt động tình nguyện của đồng bào có đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ chống dịch góp phần giải quyết khó khăn, giảm tải áp lực mà lực lượng tuyến đầu đang phải gánh chịu trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Hoạt động này còn mang ý nghĩa xã hội, có tính lan tỏa lớn, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại trên thành phố mang tên Bác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục