Nếu không có nhà đầu tư, cao tốc Bắc-Nam sẽ được triển khai ra sao?

Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có sự cạnh tranh rộng rãi trong nước và sẽ không chỉ định thầu. Nhà đầu tư sẽ tham gia với cuộc chơi “lời ăn, lỗ chịu."
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công để kết nối các tuyến với nhau, không chỉ định nhà đầu tư.

Tại buổi họp báo quý 3 vào chiều tối nay (ngày 27/9), ông Đông cho hay, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có quyết định hủy đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước thì việc sơ tuyển nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian. Bộ yêu cầu các Ban quản lý dự án yêu cầu khẩn trương hoàn tất hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi; tiến hành phát hành hồ sơ tháng Mười tới.

Liên quan đến việc đã tăng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư về năng lực, tài chính, kinh nghiệm, nâng vốn chủ sở hữu lên 20%, Thứ trưởng Đông cho rằng, dựa vào hành lang pháp lý Nghị quyết 52 của Quốc hội, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng 20% nên Bộ Giao thông Vận tải không thể sửa, đã tổ chức thực hiện theo Luật Đấu thầu không bảo lãnh doanh thu và khoản vay. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh tiêu chí về kinh nghiệm làm đường cao tốc.

“Dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có sự cạnh tranh rộng rãi trong nước, chưa thể biết bao nhiêu nhà đầu tư tham dự, chỉ đến khi sơ tuyển và nhận hồ sơ chúng tôi mới nắm rõ. Khi chưa thẩm định ra kết quả nhà đầu tư nào đủ năng lực, Bộ sẽ không công bố do đó là hồ sơ bí mật,” ông Đông khẳng định.

[Dự án cao tốc Bắc-Nam: Dành ‘đất diễn’ cho nhà đầu tư trong nước]

Thừa nhận về vốn tín dụng dự án rất khó khăn trong điều kiện của Việt Nam, đặc biệt là các gói thầu cao tốc có vốn đầu tư lớn, Thứ trưởng Đông phân tích, các dự án cao tốc tới, những dự án thông thường vốn vay tương đối lớn 7.000-8.000 tỷ đồng trở lên nên việc huy động vốn tín dụng chắc chắn là khó khăn.

“Khi chuẩn bị các phương án, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về con số huy động để các ngân hàng thương mại nắm và nghiên cứu, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để tạo ra nguồn vốn tín dụng có thể cung cấp. Việc cung cấp vốn tín dụng bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện luật pháp của ngân hàng nhưng vẫn phải xem xét tính khả thi của dự án,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Trước đó, do số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao, Bộ Giao thông Vận tải hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ tuyển với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước./.

Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017 có chiều dài 654km. Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục