Nga-Mỹ điều tra nguyên nhân vụ báo động giả trên trạm ISS

Nga và Mỹ đang duy trì liên lạc thường xuyên sau vụ báo động giả khiến các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải tiến hành sơ tán.
Nga-Mỹ điều tra nguyên nhân vụ báo động giả trên trạm ISS ảnh 1Phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9 đưa tàu chở hàng không người lái Dragon mang theo hàng hóa và nhiều thiết bị khoa học lên ISS. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trong một buổi họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang duy trì liên lạc thường xuyên sau vụ báo động giả khiến các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải tiến hành sơ tán.

Cuộc họp có sự tham gia của các phi hành gia trên ISS, đại diện Roscosmos, NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) nhằm nắm bắt những diễn biến mới nhất trên trạm vũ trụ này.

Trước đó, vào 16 giờ ngày 14/1 theo giờ Việt Nam, trên trạm ISS đã xảy ra một vụ báo động do nghi ngờ rò rỉ khí amoniac tại môđun của Mỹ, buộc các nhà du hành vũ trụ phải sơ tán sang môđun của Nga.

Sau đó, thành viên trên ISS phát hiện đây chỉ là báo động giả và các nhà du hành đã được phép quay trở lại môđun của Mỹ. NASA cũng đã đăng thông báo trên trang web chính thức của cơ quan này khẳng định các nhà du hành trên ISS đều "an toàn và trong trạng thái tốt."

Cũng theo NASA, các thiết bị đo áp suất không phát hiện dấu hiệu rò rỉ amomiac trong môđun của trạm ISS.

Hiện nhóm điều khiển hành trình của ISS đang phân tích dữ liệu để xác định nguyên nhân gây báo động giả. Amoniac được sử dụng trong hệ thống điều hòa nhiệt độ trên trạm vũ trụ ISS.

Về phần mình, Roscosmos khẳng định môđun của Nga không bị ảnh hưởng do không khí ô nhiễm. Một đại diện của Cơ quan điều phối nhiệm vụ trên ISS, đặt trụ sở tại thành phố Korolyov ở Nga, cho biết môđun của Nga trên ISS có đủ phòng và nhu yếu phẩm cho toàn bộ 6 thành viên.

Theo cơ quan này, mỗi môđun trên trạm ISS được thiết kế cất giữ đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho toàn bộ các thành viên trên trạm ISS.

Nhóm phi hành gia trên trạm ISS hiện tại có hai người Mỹ, một người Italy và ba người Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục