Ngành điều Việt Nam hướng đến sản xuất và tiêu thụ xanh

Mặc dù ngành chế biến và xuất khẩu điều được cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để tăng vị thế xuất khẩu.
Ngành điều Việt Nam hướng đến sản xuất và tiêu thụ xanh ảnh 1Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh, tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Sản xuất và tiêu thụ xanh đang được người tiêu dùng thế giới hướng đến, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Vì vậy, chỉ những sản phẩm bảo vệ môi trường sống, môi trường sản xuất mới tăng cơ hội ưu tiên lựa chọn.

Nhiều thách thức đặt ra

Nhiều chuyên gia ngành điều chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa thời điểm trước dịch bệnh COVID-19 và sau giai đoạn COVID-19. Có thể nói diễn biến dịch bệnh lắng xuống thì diễn biến biến động kinh tế lại dâng cao.

Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, cho biết bức tranh tiêu dùng thay đổi rõ rệt kể khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh và bước vào giai đoạn lạm phát. Khi ứng phó dịch bệnh COVID-19, người tiêu dùng làm việc ở nhà và có nhu cầu sử dụng thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe. Hạt điều là loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy dù phải thực hiện giãn cách nhưng lượng tiêu thụ vẫn không hề giảm.

[Không đạt mục tiêu, doanh nghiệp xuất khẩu điều tìm thị trường ngách]

Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraina bùng nổ, cộng với lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia vào thời điểm quý 2/2022 trở đi, thu nhập giảm xuống, vật giá tăng lên khiến người tiêu dùng phải lựa chọn thực phẩm vừa túi tiền. Điều này tác động mạnh đến ngành điều. Và tác động này còn được dự báo kéo dài đến hết năm 2023, ông Vũ Thái Sơn cho biết thêm.

Thêm vào đó, từ diễn biến kinh tế trong nước, nguồn tiền mà doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều huy động cũng dần cạn, bởi ngay từ những năm trước, nhiều doanh nghiệp nhận thấy tình hình xuất khẩu điều đi vào ổn định, nên đã trích một phần vốn mở rộng kênh đầu tư, nhằm mục đích tăng nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp.

Thế nhưng, với sự tăng tốc của lãi suất tiền vay trong 6 tháng gần đây, cộng với sự trì trệ của các kênh đầu tư, do ảnh hưởng chung của kinh tế trong nước và tác động của kinh tế toàn cầu đã làm cho doanh nghiệp không thể thu hồi vốn từ các kênh đầu tư khác. Đây chính là điều khó khăn tiếp theo của toàn ngành trước sự trì trệ tiêu dùng thế giới.

Cảnh báo thêm về những vướng mắt trong năm 2023, tại Hội Nghị điều quốc tế năm 2023, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, nhận định năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm và giá khó tăng. Hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế, vấn đề lạm phát, suy thoái, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ, lương lao động tăng 7%... đè lên vai ngành điều.

Trong khi đó, diễn biến tỷ giá cũng là một trong những yếu tố đẩy chi phí lên cho ngành điều. So với hai năm trước, lạm phát tiền đồng và tiền đô la Mỹ là 4%.

Sản xuất xanh tăng cạnh tranh vào thị trường khó tính

Mặc dù ngành chế biến và xuất khẩu điều được cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để tăng vị thế xuất khẩu.

Ngành điều Việt Nam hướng đến sản xuất và tiêu thụ xanh ảnh 2Vườn điều của gia đình ông Trần Văn Nhật, ấp 2, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Marc RosenBlatt, Đại diện công ty The Richard Franco Agency (Mỹ), cho biết người tiêu dùng Mỹ và châu Âu rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường sản xuất khi quyết định lựa chọn một sản phẩm để bỏ vào giỏ hàng. Đồng thời, người tiêu dùng tại 2 thị trường này cũng rất thích sử dụng hạt điều, bởi hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt. Việc lựa chọn các loại hạt từ trồng trọt để bổ sung lượng protein cho cơ thể luôn luôn tốt hơn khi lựa chọn nguồn đạm động vật. Vì vậy, dù khó nhưng ngành điều vẫn còn có cơ hội nếu cả doanh nghiệp lẫn nông dân hướng đến sản xuất xanh để cung ứng cho tiêu dùng quốc tế.

Hiện hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới.

Do đó, hạt điều sạch, an toàn môi trường sẽ luôn được ưu tiên lựa chọn đối với giới trẻ châu Âu lẫn châu Á.

Với lợi thế thấy được từ trong khó khăn, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023 là 3,1 tỷ USD, tuy giảm hơn so với năm 2022, nhưng cũng là một thử thách lớn cho toàn ngành.

Là địa phương đi đầu cả nước trong sản xuất điều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay tỉnh Bình Phước có hơn 3.200ha điều hữu cơ, được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ và tiêu chuẩn Fair Trade của châu Âu, 15/22 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh xuất từ hạt điều.

"Để tạo nên lợi thế cho ngành điều trong năm 2023, doanh nghiệp phải bắt tay nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch; tăng cường chế biến sâu. Khi đó, cả nông dân và doanh nghiệp mới cùng có lợi," ông Vũ Thái Sơn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục