Nghị quyết 128: Bảo đảm an sinh, phục hồi thị trường lao động

Thị trường lao động quý 3/2022 tiếp tục phục hồi, cơ cấu đã bền vững hơn, trong đó, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc giảm.
Nghị quyết 128: Bảo đảm an sinh, phục hồi thị trường lao động ảnh 1Xưởng sản xuất giày da tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế,” những chuyển biến trong thực tế đã chứng minh, quyết sách này là táo bạo, dũng cảm, kịp thời phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như bảo đảm an sinh, hỗ trợ người dân, người lao động cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Chặn đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Đại dịch COVID-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân trên cả nước.

Ước tính số người bị mất việc làm do đại dịch trong năm 2021 chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc; gần 50% số người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; khoảng 80% số người bị giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, kịp thời hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, cũng như giải quyết tốt các chính sách xã hội, chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế... nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm, vượt qua giai đoạn khó khăn là đòi hỏi cấp bách.

[Nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP: Bước chuyển chiến lược]

Như Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng chia sẻ, toàn ngành đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," rất mừng là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đã không xảy ra.

Người lao động trong những tháng cuối năm 2021 đã trở lại làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 85-90%, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cuối năm.

Thị trường lao động khởi sắc

Tình hình đại dịch dần được kiểm soát tốt trong năm 2022 và việc kiên định chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cùng với các giải pháp phù hợp và quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bức tranh thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy thị trường lao động quý 3/2022 tiếp tục phục hồi, cơ cấu đã bền vững hơn. Trong đó, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc giảm.

Trong quý 3, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255.200 người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng thời điểm năm 2021-thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

Tính chung 9 tháng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành.

Đời sống của người lao động được đảm bảo hơn. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3/2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143.000 đồng so với quý trước.

Chín tháng năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727.000 đồng.

So với cùng kỳ năm 2019, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693.000 đồng.

Song song với sự khởi sắc của thị trường lao động-việc làm, việc chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế... nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai bài bản, căn cơ, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nhiều giải pháp, nhiều gói hỗ trợ được ban hành kịp thời đã góp phần giúp người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Dù nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khôi phục niềm tin

Báo cáo về việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay: Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ năm 2021, kết quả cho thấy Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 83.786 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ trên 727.000 lượt người sử dụng lao động, gần 50,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, kết quả cho thấy 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (3 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng).

Tính đến ngày 21/9, đã giải ngân hơn 3.539,3 tỷ đồng, hỗ trợ trên 5,15 triệu lượt người lao động của 120.339 lượt doanh nghiệp (đạt 93,32% so với số kinh phí mà cấp huyện đã tiếp nhận đề nghị và đạt 94,99% so với số kinh phí đã được phê duyệt).

Đánh giá sự chuyển hướng chiến lược có ý nghĩa quyết định trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định Nghị quyết là sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp chống dịch và phát triển kinh tế.

Từ việc chống dịch bằng mọi giá tại thời điểm đó, chúng ta đặt "mục tiêu kép" tức là phải cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế. Đó là cách tiếp cận mới, chiến lược hơn, dài hạn hơn, tổng thể hơn.

Thay vì sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau như trước đây, thì nay thay đổi hẳn, buộc phải hợp tác với nhau, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề.

Trước khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP, doanh nghiệp rất lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, vì không lường trước được các biện pháp chống dịch như thế nào.

Sau khi có Nghị quyết, doanh nghiệp khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình. Người dân cũng vậy, họ bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn.

Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc thì rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm này, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục