Ngư dân Quảng Ninh mong sớm nhận hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt

Nhiều ngư dân Quảng Ninh bày tỏ mong muốn sớm nhận được hỗ trợ để đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt lớn phù hợp với nghề đánh bắt xa bờ.
Ngư dân Quảng Ninh mong sớm nhận hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt ảnh 1Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Mặc dù chỉ chiếm 2,6% tổng số tàu cá nhưng sản lượng khai thác xa bờ tại Quảng Ninh đang chiếm 30% tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của đội tàu khai thác xa bờ tại Quảng Ninh trong 4 năm qua còn chậm và nhiều hạn chế.

Theo ông Trần Đình Minh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh, tàu đánh bắt xa bờ, đặc biệt là tàu vỏ sắt tăng không mạnh chủ yếu là do ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa đủ nguồn tài chính.

Bởi chi phí đóng mới và bảo dưỡng cho loại tàu đánh bắt cá vỏ sắt này khá cao. Trong khi đó, nếu ngư dân chỉ đánh bắt ở ngư trường gần như Vịnh Bắc bộ thì chưa khai thác hết công suất của tàu vỏ sắt.

Ông Nguyễn Văn Khắc 52 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, chủ tàu vỏ gỗ thường xuyên đánh bắt trong ngư trường Trường Sa cho hay, ưu điểm của tàu vỏ sắt có độ bền cao, tuổi thọ dài, chống chịu sóng, gió, nước biển tốt. Do vậy, tàu loại này thích hợp với việc đi biển dài ngày. Nhưng ông Khắc cho rằng, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu vỏ sắt cao hơn nhiều so với vỏ gỗ.

Cùng nỗi băn khoăn, ông Nguyễn Văn Sa, 50 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn chia sẻ, chi phí đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu vỏ sắt cao hơn nhiều lần so với tàu vỏ gỗ, trong khi hiện tại, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt chưa đến với ngư dân.

Mỗi năm, tàu vỏ gỗ bảo dưỡng, sửa chữa từ một đến hai lần, với mức khoảng 100 triệu đồng, trong khi, chi phí cho tàu vỏ sắt phải gấp rưỡi đến gấp hai lần.

Ông Dương Văn Tuấn, 38 tuổi, ở phường Phương Nam, Thành phố Uông Bí cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá hoạt động thủy sản xa bờ là một tin vui đối với ngư dân. Với việc thường xuyên đánh bắt xa bờ dài ngày, ông mong muốn được chuyển sang tàu sắt vì độ an toàn, độ bền cao.

Theo ông Tuấn, để so sánh tàu vỏ gỗ hay vỏ sắt hiệu quả hơn, nhà nước nên hỗ trợ đóng mới thử một số lượng tàu vỏ gỗ và vỏ sắt như nhau, cho ngư dân chạy thử cùng một thời gian để so sánh. Sau đó, lấy ý kiến ngư dân về loại tàu vỏ gỗ, hoặc vỏ sắt phù hợp, sau đó mới quyết định đóng loại tàu mà ngư dân mong muốn.

Tin vui cho ngư dân, từ 25/8, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá hoạt động thủy sản xa bờ.

Theo đó, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% đối với vỏ tàu sắt và 70% đối với vỏ tàu gỗ. Lãi suất ngư dân phải trả tối thiểu là 1%, tối đa 3%/năm thời hạn cho vay tối đa là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; chủ tàu được thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo khoản vay. Như vậy ngư dân Quảng Ninh có cơ hội điều kiện để đóng mới tàu khai thác xa bờ có công suất 400 CV.

Anh Nguyễn Văn Quảng ở tổ 3, khu 6A, phường Cẩm Trung, Thành phố Cẩm Phả có 2 chiếc tàu khai thác xa bờ từ lâu gia đình anh mong muốn đóng một chiếc tàu mới khoảng trên 600 CV. Khi có chính sách mới này, anh hy vọng sẽ được hỗ trợ để đầu tư đóng mới ngay để anh có con tàu vỏ sắt lớn phù hợp với nghề đánh bắt xa bờ.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh, chính sách mới của Chính phủ mới ưu tiên hỗ trợ việc đóng mới các tàu loại 400 CV trở lên. Trong khi đó, ở Quảng Ninh chủ yếu là loại tàu 90 đến dưới 400 CV nên phần nhiều ngư dân trong tỉnh vẫn chưa thể tiếp cận chính sách hỗ trợ mới của nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục