Người làm báo - những 'chiến sỹ' trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch.
Người làm báo - những 'chiến sỹ' trên mặt trận tư tưởng văn hóa ảnh 1Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại cuộc gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu diễn ra mới đây, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Người làm báo là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng," xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, 95 năm qua, các thế hệ nhà báo đã thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, tài năng, đạo đức và bản lĩnh chính trị của mình để có những bài báo xuất sắc mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giành và giữ độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khó, hy sinh, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm.

Học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo Hồ Chí Minh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi “đầu sóng," “ngọn gió," tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; hăng hái thâm nhập thực tế ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội, thiên tai, bão lũ…; bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp.

Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, đạt giải cao trong các Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về thông tin đối ngoại...

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin diễn biến dịch bệnh, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an…; nêu gương những cá nhân, cộng đồng, phát huy truyền thống nhân ái, góp công, góp sức ủng hộ công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

[Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19]

Đội ngũ những người làm báo đã từng bước khẳng định vai trò, bản lĩnh của mình trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, thực sự là những người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chính trị.

Không ngừng nỗ lực trên mặt trận thông tin, phản ánh, cập nhật, thông tin đa chiều về các sự kiện “nóng," những chủ đề được nhiều người quan tâm, báo chí đã góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Khẳng định tầm quan trọng của báo chí trong việc định hướng, phục vụ công tác tư tưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngoài cơ chế quản lý của các cơ quan báo chí, điều quan trọng nhất là phải nâng cao tính nhạy cảm, sắc bén của mỗi nhà báo.

Để làm được điều này, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí. Mỗi người làm báo được đào tạo, tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ, chuyên môn, kiến thức chính trị-xã hội, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò “chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”; tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống và tài sản quý giá qua hàng nghìn năm của cả dân tộc Việt Nam, là chiến lược cơ bản, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta. Một trong những chủ đề được phản ánh xuyên suốt, trọng tâm, thường xuyên trên báo chí là góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong những năm qua, báo chí đã đi đầu trong việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng các đường lối, chủ trương, kế hoạch phát triển đất nước, góp phần triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò tự quản, sáng kiến của nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân ở các khu dân cư, giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh... Vai trò và sự đóng góp của báo chí luôn được đánh giá cao trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội.

Báo chí là công cụ chỉ đạo sắc bén của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy và chính quyền địa phương; đồng thời là hình thức vận động quần chúng hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như cả hệ thống chính trị. Báo chí là người bạn đồng hành có tiếng nói sâu sắc trong quá trình tăng cường, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về đại đoàn kết toàn dân tộc, mỗi cơ quan báo chí đều có cách thể hiện phong phú, đa dạng vào từng thời điểm, trong đó có việc xây dựng chủ đề tuyên truyền phù hợp; lựa chọn các vấn đề sát hợp với tình hình cụ thể của từng lĩnh vực, ngành, địa phương...

Hầu hết những tờ báo lớn đều có nhiều bài viết, chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền xuyên suốt về các nội dung trọng tâm như đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn huy động được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị; đấu tranh, phản bác, chống luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Người làm báo - những 'chiến sỹ' trên mặt trận tư tưởng văn hóa ảnh 2Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đặc biệt, nhiều tờ báo liên tục tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn xóa đói giảm nghèo, cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới...

Được phát động lần đầu vào năm 2003, Giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc" là giải thưởng được khởi xướng bởi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam.

Được tổ chức thường niên, giải thưởng là cơ hội tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò, tác dụng của báo chí đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, là tiếng nói quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước; đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân trong việc tuyên truyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới của đất nước.

Chất lượng tác phẩm tham dự Giải qua các năm ngày càng nâng cao, qua đó phản ánh cuộc sống phong phú, sinh động của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, chia sẻ, cổ vũ nhiều hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở.

Phát huy thế mạnh của các loại hình, thể loại báo chí, nhiều cây bút đã nỗ lực tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức của mỗi người dân Việt Nam về sự cần thiết của đại đoàn kết toàn dân tộc, các mô hình hoạt động hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và của nhân dân được nhân rộng trong toàn xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục