Người nghiện ngày càng trẻ hóa: Hiểm họa ma túy xâm nhập học đường

Theo Bộ Công an, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường.
Cơ quan công an kiểm kê tang vật khi triệt phá một lò sản xuất ma túy tổng hợp. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Cơ quan công an kiểm kê tang vật khi triệt phá một lò sản xuất ma túy tổng hợp. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Thống kê của Bộ Công an cho thấy 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Người nghiện ma túy đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa đặt ra không ít thách thức cho công tác phòng, chống ma túy cũng như cai nghiện.

Luật Phòng, chống ma túy vừa được Quốc hội thông qua cũng đã điều chỉnh nhiều quy định để phù hợp với xu hướng này.

Nguy hiểm rình rập học đường

Trong sáu tháng đầu năm, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc thanh thiếu niên sử dụng chất ma túy. Đáng lo ngại hơn cả là ngày càng có nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu nên sử dụng ma túy. Chỉ trong tháng 4 đã xảy ra liên tiếp hai vụ việc về thanh thiếu niên sử dụng ma túy khiến phụ huynh bất an khi ma túy đang trà trộn dưới nhiều hình thức, nguy hiểm luôn rình rập với học sinh, sinh viên.

Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện vụ việc pha trộn ma túy vào trà sữa bán cho trẻ em. Qua kiểm tra một xe ôtô 7 chỗ, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có một thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa. Qua kiểm tra nhanh, cả 15 chai đều cho phản ứng dương tính với ma túy.

Theo lời khai ban đầu của người điều khiển phương tiện là Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, thành phố Đà Lạt), Dung học cách pha chế và mua cần sa từ một người bạn, sau đó về xay cần sa, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa.

Mỗi ngày, Dung bán khoảng 20 chai cho những thanh, thiếu niên trên địa bàn, giá mỗi chai từ 150.000-200.000 đồng (đắt gấp 10 lần giá trà sữa trên thị trường). Để nhiều người biết tới món thức uống gây nghiện này, Dung rao bán trên mạng xã hội và qua bạn bè giới thiệu. Những người dùng trà sữa của Dung sẽ nghiện và trở thành khách hàng thường xuyên.

Cũng ngay trong cuối tháng Tư, 4 học sinh một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương đã bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố Hải Dương bắt quả tang khi đang tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là loại ma túy dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau. Các em học sinh khai mua loại ma túy này tại khu vực chợ Thanh Bình, thành phố Hải Dương của một người đàn ông không quen biết với giá 150.000 đồng/lọ.

Theo Bộ Công an, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.

Thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho người sử dụng, người nghiện ma túy Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (PSD), cho biết trong số những người nghiện ma túy có một bộ phận không nhỏ là thanh thiếu niên, thậm chí có những em còn rất nhỏ tuổi, tất cả đều đáng tiếc và thương tâm.

Người nghiện ngày càng trẻ hóa: Hiểm họa ma túy xâm nhập học đường ảnh 1Tư vấn điều trị cai nghiện ma túy. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phó giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Hưng nhấn mạnh điều rất đáng lo ngại là hiện nay ở trong nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, chủ yếu là các loại ma túy kích thích thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thần kinh. Quá trình điều trị để phục hồi là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian; có những em sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy thì việc phục hồi càng khó khăn hơn.

Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa ma túy

Trước thực trạng đối tượng sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, công tác cai nghiện đối với thanh thiếu niên cũng đã được sửa đổi trong Luật Phòng, chống ma túy vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 3 và sẽ có hiệu lực vào 1/1/2022. Đây cũng là một điểm mới nổi bật trong Luật Phòng, chống ma túy. Những quy định mới sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tăng cường chất lượng công tác cai nghiện ma túy cho thanh thiếu niên.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết để khắc phục khoảng trống đối với người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi, Luật Phòng, chống ma túy mới quy định trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện, có thể tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện.

“Đây là điểm nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định tại Điều 28 Luật Trẻ em: ‘Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy’,” ông Trần Ngọc Tuý nói.

[Triển khai hiệu quả Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021]

Luật mới quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và thông qua quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện. Để bảo đảm quyền của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện, khi chuyển hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tại địa phương.

Luật cũng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu riêng biệt cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi để bảo đảm các quyền và trách nhiệm riêng biệt.

Năm nay, tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng Sáu) có chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà-Hãy tránh xa ma túy.” Đây là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Tháng hành động lưu ý những nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Chính phủ giao đã Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

Ngoài ra, các hoạt động phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên còn được thể hiện ở nhiều nhiệm vụ được Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao cho các bộ, ngành địa phương thực hiện. 

Các hoạt động nhằm thắt chặt việc quản lý để giảm thiểu tối đa những tác hại mà ma túy gây ra, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục