Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Vĩnh Long đến nay, hàng trăm chiến sỹ công an, quân đội, y bác sỹ, giáo viên, đoàn viên… đã không ngại khó, ngại khổ, luôn trong tư thế sẵn sàng đi vào tâm dịch.
Bất kể ngày hay đêm, họ luôn cơ động, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ được phân công, san sẻ những vất vả cho nhau với chung một mục tiêu là sớm đẩy lùi dịch bệnh.
"Lá chắn" vững vàng trên tuyến đầu chống dịch
Từ tháng 6/2021 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập hơn 300 chốt kiểm soát dịch bệnh, trong đó lực lượng công an các cấp làm chủ công, trực 24/24 giờ.
Ngoài ra, lực lượng công an cũng tổ chức gần 150 tổ tuần tra lưu động hoạt động thường xuyên, liên tục.
Công an tỉnh Vĩnh Long đã điều động hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ tham gia đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, chốt kiểm dịch… trên địa bàn tỉnh.
[Những bếp ăn nghĩa tình ấm lòng trong mùa dịch ở Vĩnh Long]
Cùng với y tế, quân sự, lực lượng công an đang nỗ lực hết mình, trở thành "lá chắn" ban đầu quan trọng, góp phần giúp địa phương từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Bất kể thời tiết nắng gắt hay mưa to, những chiến sỹ tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở phường 8, thành phố Vĩnh Long vẫn luôn túc trực để kiểm soát người và phương tiện lưu thông ra vào cửa ngõ thành phố.
Các lực lượng vừa kiểm tra vừa tuyên truyền nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm quy định chỉ ra đường khi thật sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Trung tá Nguyễn Văn Núi, Chốt trưởng Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Phường 8, cho biết nhiệm vụ của chốt là kiểm soát việc thực hiện các quy định phòng dịch đối với người và phương tiện ra vào thành phố, không để người dân ra đường khi không cần thiết.
Công tác kiểm soát ban đầu gặp nhiều khó khăn do người dân chưa nắm rõ các quy định, một số người cố tình vi phạm. Để đảm bảo thực hiện nghiêm thì Tổ công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.
Trung tá Nguyễn Văn Núi chia sẻ: "Tình hình khó khăn, ai cũng phải xa gia đình, gác lại việc riêng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt trong lúc dịch bệnh đang bùng phát, anh em trực chốt cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giữ cho thành phố được an toàn nên thành viên trong Tổ cũng động viên nhau, đoàn kết, quyết tâm thực hiện."
Trong giai đoạn tỉnh Vĩnh Long thực hiện giãn cách xã hội, ngoài việc phân công ứng trực tại các chốt kiểm soát dịch, lực lượng công an còn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm về giãn cách xã hội.
Từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 19/7) đến nay, lực lượng Công an đã tuần tra, kiểm soát trên 13.000 cuộc. Qua đó, công an đã phát hiện, nhắc nhở 4.448 trường hợp, lập biên bản 6.483 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2.723 trường hợp với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Đặc biệt, công an phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm quy định về giãn cách, đưa người từ vùng dịch về tỉnh trái phép, chống người thi hành công vụ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết hiện nay, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, lực lượng công an thường có vai trò là chủ công. Các chốt này có vai trò quan trọng trong việc phát hiện kịp thời trường hợp từ vùng dịch vào địa bàn, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài.
Song song với đó, lực lượng công an cũng phát huy vai trò trong công tác tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch, buôn bán những mặt hàng không thiết yếu.
Hoạt động của lực lượng công an giúp tuyên truyền hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, nâng cao ý thức người dân, góp phần giúp tỉnh sớm kiểm soát dịch bệnh.
Ngày đêm đồng hành cùng người bệnh
Những ngày cuối tháng 7/2021, khi số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, các bệnh viện dã chiến trong tỉnh đã được thành lập để điều trị và chăm sóc cho người bệnh.
Tại Bệnh viện dã chiến số 2 huyện Mang Thít, nhiều bác sỹ trẻ tình nguyện tạm xa gia đình để tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các bác sỹ hằng ngày hỗ trợ thăm khám, chăm sóc, động viên tinh thần đã giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 sớm bình phục. Đặc biệt, việc theo dõi và xử lý kịp thời khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường về sức khỏe của các bác sỹ bệnh viện dã chiến đã giúp nhiều bệnh nhân chuyển nặng được kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị, vượt qua nguy kịch.
Tạm gác những công việc đang dở dang, gửi lại đứa con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc, bác sỹ Nguyễn Thanh Quyền (Trung tâm Y tế huyện Mang Thít) và vợ đang mang thai đã cùng nhau lên tuyến đầu chống dịch.
Dù công tác ở hai đơn vị khác nhau nhưng hai vợ chồng vẫn thường xuyên động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Quyền cho biết tại bệnh viện dã chiến, các bác sỹ và điều dưỡng chia ca túc trực để sẵn sàng nhận, điều trị, theo dõi sức khỏe bệnh nhân 24/24 giờ. Đối với những bệnh nhân có bệnh nền, nhân viên y tế luôn phải theo dõi, kịp thời phát hiện khi chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên, đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Quyền kể: "Có bệnh nhân chuyển nặng nhưng nhất quyết không chịu chuyển tuyến. Bác sỹ năn nỉ không được, buộc lòng phải ép chuyển viện, vì ở bệnh viện dã chiến không đủ trang thiết bị sẽ khó đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Sau này, khi mình điện thoại hỏi thăm thì rất mừng là đúng lúc bệnh nhân xuất viện. Bệnh nhân chia sẻ lúc đó không muốn chuyển viện vì ở bệnh viện dã chiến thoải mái, bác sỹ thân tình. Nghe vậy, mình cũng ấm lòng. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế mình cũng phải kiên quyết. Bệnh diễn tiến rất nhanh nên đòi hỏi bác sỹ phải luôn theo sát và có những quyết định chính xác nhất để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người bệnh."
Là người con của Vĩnh Long và cũng là sinh viên năm cuối ngành y, khi biết tình hình dịch bệnh tại tỉnh đang rất phức tạp, em Nguyễn Trung Hiếu đã đăng ký làm tình nguyện viên.
Nhận nhiệm vụ hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2 huyện Mang Thít vừa là cơ hội để Hiếu cống hiến, vừa giúp em học hỏi được nhiều hơn kinh nghiệm từ thực tiễn.
Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: "Khi vào đây có nhiều bệnh nhân rất hoang mang. Vì vậy, các bác sỹ, điều dưỡng vừa phải điều trị vừa là người bạn đồng hành để động viên, giúp đỡ bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn."
Bệnh nhân N.T.Đ cho biết: "Bác sỹ ở đây rất tận tâm. Nhiều khi tôi sốt, ho lúc nửa đêm, thông báo cho bác sỹ liền được khám, tư vấn hỗ trợ kịp thời nên đỡ lo hơn. Tôi rất mừng và cảm ơn bác sỹ đã điều trị để sớm bình phục, trở về với gia đình."
Những nỗ lực của các bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến số 2 huyện Mang Thít đã giúp 268 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi bệnh trở lại cuộc sống bình thường. Hiện tại, bệnh viện chỉ còn 6 bệnh nhân đang điều trị.
Các bác sỹ cho biết, niềm hạnh phúc sau khoảng thời gian gắn bó với bệnh nhân là không phải chứng kiến trường hợp nào tử vong, ca nặng đều được chuyển viện kịp thời và điều trị khỏi bệnh. Một niềm vui khác chính là khi nhận được tin nhắn báo bình an, những lời cảm ơn của bệnh nhân mà mình đã từng điều trị.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long đã trải qua chặng đường hơn 3 tháng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 92/107 xã, phường, thị trấn đạt trạng thái "bình thường mới," số ca mắc mới giảm 96% so với tuần cao nhất trong đợt dịch. Đặc biệt, ngành y tế đã nỗ lực điều trị 1.976 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện chỉ còn 199 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm chia sẻ tỉnh ghi nhận sự cống hiến hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y bác sỹ ngày đêm chiến đấu để giữ lấy sự sống cho bệnh nhân.
Tình hình dịch căng thẳng, có những lúc các y, bác sỹ làm việc trong điều kiện quá tải, một người phải làm việc gấp đôi gấp ba. Đối với lực lượng đi xét nghiệm, các chiến sỹ trực chốt kiểm dịch mỗi lúc trời mưa, gió rất khó khăn nhưng vẫn nỗ lực để đóng góp.
Gác lại việc nhà, mỗi bác sỹ đều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh trở lại trạng thái "bình thường mới."
Tỉnh đang quyết liệt hơn nữa nhằm kiểm soát tốt tình hình, giữ vững thành quả chống dịch để khi dịch bệnh qua đi, các y bác sỹ được nghỉ ngơi và đoàn tụ với gia đình./.