Những tia hy vọng dành cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

10 trường hợp được chọn thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện, bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…
Những tia hy vọng dành cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn ảnh 1Các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn tới bệnh viện thăm khám. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết, ở Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) lấy nhau đã hiếm muộn 18 năm.

Kết hôn từ năm 2003, mãi chưa có con, nhiều năm qua anh chị cũng đã đi thăm khám, chạy chữa nhiều nơi, thậm chí từng vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thụ tinh trong ống nghiệm (năm 2018) nhưng không có kết quả.

Trước đó, chị Phượng cũng từng mổ bóc tách u nang buồng trứng (năm 2014) và mổ polyp buồng tử cung (năm 2016). Thu nhập từ nghề thợ hàn của anh Quyết và nghề phụ hồ của chị Phượng ngoài lo cuộc sống, chăm mẹ già (mẹ anh Quyết hiện đã gần 90 tuổi, ở cùng hai vợ chồng) khó có thể giúp họ tiếp tục theo đuổi hành trình gian nan này. Trong suốt quá trình tìm kiếm con yêu, dù khó khăn trăm bề nhưng anh Quyết chị Phượng chưa từng mất đi hy vọng và muốn từ bỏ.

[Bệnh viện ở Bắc Ninh tiếp nhận kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm]

Một trường hợp khác là gia đình anh Lê Hải Phong và chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng) cũng là một cặp đôi hiếm muộn với hoàn cảnh rất éo le.

Chị Trang và anh Phong gặp rất nhiều khó khăn khi anh là bộ đội nên thường xuyên đi công tác xa nhà, chị Trang đôi khi cũng tủi thân nhưng anh chị chỉ có thể động viên nhau vượt qua.

Những tia hy vọng dành cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn ảnh 2Chị Trang (cầm micro) và gia đình chị Phạm Thị Phượng, anh Phạm Văn Quyết (giữa) chia sẻ những tâm tư trong buổi lễ công bố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài niềm đau không có tiếng cười trẻ thơ trong căn nhà trống vắng, anh Phong chị Trang còn phải chăm sóc bố bị mắc bệnh ung thư, đái tháo đường, suy tim.

Chị Trang nghẹn ngào chia sẻ trong nước mắt: “Dù chồng đi công tác thỉnh thoảng mới về, nhưng chỉ hai vợ chồng chỉ nói đôi lời với nhau vì giữa cả hai luôn có một khoảng cách và cả những nỗi niềm mong ngóng đứa con chung. Còn ông bà vì những căn bệnh dày vò mà dường như đã mất hy vọng sống nên mình cũng chỉ mong ông bà có cháu sẽ có động lực chữa trị và sức mạnh để sống tiếp.”

Những câu chuyện xúc động trên được các gia đình chia sẻ trong buổi lễ “Công bố và trao quyết định: 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Chương trình Tuần lễ Vàng 2021, do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức tại Hà Nội và phát trực tuyến trong ngày 3/7.

Mỗi trường hợp là một câu chuyện, dù khác hoàn cảnh nhưng chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn vì nhiều lẽ, trong đó, kinh tế là rào cản chính. Sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã đem đến cho họ một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh-hiếm muộn của họ.

Năm nay, cơ hội đã đến với vợ chồng chị Phượng, chị Trang khi họ là một trong số 10 gia đình may mắn nhận được hỗ trợ miễn phí 100% chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ vàng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn.

Bệnh viện bắt đầu nhận hồ sơ xét duyệt các gói hỗ trợ miễn phí từ ngày 05/05/2021 đến ngày 30/5/2021. Sau gần 1 tháng triển khai chương trình, có hàng trăm hồ sơ được gửi về bệnh viện từ khắp cả nước. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã làm việc công tâm và xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp. Cán bộ chuyên trách của bệnh viện cũng đã có chuyến khảo sát, thẩm định thực tế tại từng gia đình nộp hồ sơ xét duyệt thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí để đảm bảo công bằng, thiết thực và nhân văn nhất.

Chị Trang chia sẻ những khó khăn vì hiếm muộn:

10 trường hợp được chọn thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…), khoảng 70-100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp.

Bác sỹ Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết sau 3 năm triển khai, có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí. Trên thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm không phải là nhỏ.

Do đó, chương trình hỗ trợ các gia đình được thực hiện những kỹ thuật này, giảm một phần đáng kể chi phí trong toàn bộ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm cũng như giúp các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Trong các ca được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh (25 em bé chào đời), một số đang chờ sinh với sự theo dõi, hỗ trợ tối đa từ bệnh viện. Các gia đình còn lại đang chuẩn bị chuyển phôi trong thời gian sắp tới./.

Chương trình Tuần lễ vàng 2021 – Ngôi nhà hạnh phúc với các gói hỗ trợ miễn phí bao gồm:
• 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh
khó khăn
• 27 ca phẫu thuật vi phẫu Micro TESE (vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng)
• 22 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh hiếm: Thalassemia, Hemophilia, teo cơ tủy… và một số bệnh lý hiếm khác (không giới hạn số lượng phôi)
• 20 ca nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục