Nicaragua chưa tìm ra giải pháp giải quyết khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội tại Nicaragua đã trải qua 100 ngày bất ổn khiến kinh tế đi xuống, bạo lực tiếp diễn và người dân bất an bởi triển vọng tìm ra giải pháp vẫn xa vời.
Nicaragua chưa tìm ra giải pháp giải quyết khủng hoảng chính trị ảnh 1Các phần tử quá khích trong cuộc bạo loạn đường phố tại Managua, Nicaragua ngày 15/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội tại Nicaragua đã trải qua 100 ngày bất ổn khiến kinh tế đi xuống, bạo lực tiếp diễn và người dân bất an bởi triển vọng tìm ra giải pháp vẫn xa vời.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, làn sóng bạo lực và biểu tình đã khiến hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa và nhiều người dân phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm cuộc sống mới do lo ngại tình trạng bạo lực gia tăng. Các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm giải trí nói chung. Các tổn thất về kinh tế là rất lớn mặc dù vẫn chưa có số liệu thống kê. Các chuyên gia dự báo kinh tế Nicaragua sẽ rơi vào khủng hoảng trong ngắn hạn và có thể kéo dài nếu chính phủ không tìm ra giải pháp nhanh chóng để chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay.


[Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega bác bỏ yêu cầu từ chức]

Trước tình hình này, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega ngày 23/7 đã bác bỏ yêu cầu của những người biểu tình đòi ông phải từ chức, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống của mình tới năm 2021. Nhà lãnh đạo cánh tả này cũng khẳng định không chấp nhận yêu cầu của phe đối lập về việc tổ chức bầu cử trước thời hạn vì cho rằng “việc đẩy tiến trình bầu cử sớm sẽ tạo ra bất ổn, mất an toàn và chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.” 

Tổng thống Nicaragua nêu rõ tình trạng bạo động tại quốc gia Trung Mỹ này qua là một "cuộc chiến đau thương" và gọi đây là một âm mưu có vũ trang được các lực lượng phản động trong nước và các lực lượng thù địch nước ngoài tài trợ. Chính phủ Nicaragua cáo buộc nhiều nhóm bán quân sự cực hữu và các nhóm tội phạm được trả tiền để kích động tình trạng bạo lực này. Ngày 16/5, chính phủ và đại diện giới doanh nhân, sinh viên, nông dân của quốc gia Trung Mỹ này bắt đầu tiến hành cuộc đối thoại dân tộc vì hòa bình do Hội đồng Giám mục Thiên chúa giáo làm trung gian. Đàm phán đã bị hoãn sau khi bạo lực bùng phát trở lại hôm 30/5 vừa qua khiến nhiều người thiệt mạng.

Từ ngày 16/4, biểu tình nổ ra tại hầu hết các thành phố của Nicaragua sau khi chính phủ ban hành sắc lệnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó tăng mức đóng góp bắt buộc đối với các doanh nghiệp, người lao động và người hưu trí.

Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ thuộc Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) cho biết trong 3 tháng biểu tình bạo lực đã có 273 người thiệt mạng tại Nicaragua, trong khi con số này của chính phủ và các “tổ chức nhân quyền độc lập” dao động từ gần 200 tới hơn 300 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục