Nỗ lực cao nhất để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Trong ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 272 ca mắc mới; trong đó có 5 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 267 ca được ghi nhận trong nước.
Nỗ lực cao nhất để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Các y, bác sỹ chuẩn bị thuốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 272 ca mắc mới; trong đó có 5 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 267 ca được ghi nhận trong nước.

Địa phương có số bệnh nhân nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với 166 ca; tiếp đó đến Bắc Giang với 51 ca; Bình Dương với 21 ca; Bắc Ninh với 13 ca. Trong số này có 258 ca được phát hiện trong các khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Tính từ đầu dịch đến 18 giờ ngày 21/6, Việt Nam có tổng cộng 13.483 ca mắc COVID-19; 5.453 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 69 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.

[133 ca mắc mới trong chiều 21/6, riêng TP.HCM ghi nhận 70 ca]

Tính đến hết ngày 20/6, đã có hơn 2,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, trong đó, 121.683 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 977/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 32 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tại họp báo thông tin về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đợt này, Thành phố tổ chức tiêm 944.000 liều vaccine.

Sau khi triển khai xong đợt này, tỷ lệ tiêm chủng của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt 6%.

Ngành y tế Thành phố đã huy động hơn 1.000 đội tiêm chủng đến từ các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19; tập huấn cho 4.000 đoàn viên, thanh niên, thanh niên tình nguyện về công tác hỗ trợ.

Trong đợt tiêm chủng lớn nhất này, các Bộ Y tế, Thông tin và Truyền thông đều cử các tổ công tác do hai Thứ trưởng làm tổ trưởng để hỗ trợ công tác tiêm chủng và công nghệ cho Thành phố.

Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với 650 điểm tiêm/ngày, bao gồm điểm tiêm tại các trung tâm y tế, trạm y tế và điểm tiêm lưu động nhằm đảm bảo giãn cách xã hội trong quá trình tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm vaccine cho 200 lượt người/ngày và sẽ hoàn thành trước ngày 27/6.

Cùng ngày, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra quân các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả, nhanh chóng đợt tiêm chủng lớn nhất của thành phố với hơn 830.000 liều vaccine phòng COVID-19 và gần 1.000 điểm bàn tiêm chủng được triển khai.

Khởi tố chủ cơ sở thẩm mỹ viện AMIDA

Ngày 21/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Đà Nẵng) đã thực hiện quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Trọng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế AMIDA (chủ cơ sở thẩm mỹ viện AMIDA), về tội "vi phạm quy định an toàn ở nơi đông người," không tuân thủ Thông điệp 5K, làm lây lan dịch COVID-19 tại cơ sở này.

Theo điều tra ban đầu, bị can Nguyễn Quang Trọng (sinh năm 1992, trú tại căn hộ B1204 khu chung cư Fhome, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có hành vi tụ tập đông người, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Đà Nẵng) đã khởi tố, cho tại ngoại đối với bị can Nguyễn Quang Trọng, đồng thời ra lệnh cấm bị can đi khỏi nơi cư trú. Hiện vụ việc đang tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.

Trước đó, ngày 13/5, Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án tại thẩm mỹ viện AMIDA gây lây lan dịch COVID-19. Đây là ổ dịch COVID-19 lớn tại Đà Nẵng với 65 ca mắc, khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Cho phép mở lại một số dịch vụ

Tối 21/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản về việc tiếp tục duy trì, thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong tình hình mới.

Theo văn bản, từ 0 giờ ngày 22/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà với điều kiện phải đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).

Thành phố Hải Phòng cho phép mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ ngày 21/6. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, quán bar, pub.

Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch

Ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Trung Hưng và thị trấn Yên Mỹ, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã thực hiện chặt chẽ việc phong tỏa 5 cụm dân cư và lập 8 chốt kiểm dịch từ ngày 21/6.

Tại thị trấn Yên Mỹ, huyện thiết lập vùng cách ly một cụm dân cư thôn Nghĩa Trang gồm hơn 350 hộ dân với 1.500 nhân khẩu; thiết lập vùng cách ly đối với Phòng khám Đa khoa Việt Pháp II tại thôn Thanh Xá (xã Nghĩa Hiệp) với 49 cán bộ, công nhân người lao động.

Huyện cũng phong tỏa toàn bộ 3 thôn gồm thôn Hạ, Thụy Trang và Đạo Khê thuộc xã Trung Hưng, với tổng số 1.900 hộ dân.

Từ 0 giờ ngày 21/6, thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chỉ trong ngày 20/6, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch thứ 4 lên 87.

Ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết đến 3 giờ 30 phút ngày 21/6, ngành y tế tỉnh đã hoàn thành việc lấy 60.000 mẫu để xét nghiệm PCR sàng lọc COVID-19 trên diện rộng tại thành phố Vinh.

Như vậy, sau hai ngày 19-20/6, ngành y tế Nghệ An đã lấy 100.000 mẫu để thực hiện test nhanh và xét nghiệm PCR cho nhân dân thành phố Vinh.

Ghi nhận các ca tái dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 21/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), cho biết, huyện ghi nhận trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về địa phương được một ngày.

Huyện Định Hóa đã huy động lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu, các địa phương lưu ý thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở y tế sau khi điều trị khỏi bệnh và trở về địa phương để tránh tái dương tính, lây lan ra cộng đồng.

Tỉnh Bắc Kạn vừa ghi nhận thêm hai trường hợp bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, hai bệnh nhân này đã được đưa vào khu cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Hiện tại, tình hình sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đều bình thường, không sốt, ho, không khó thở.

Đến thời điểm này, Bắc Kạn đã đón 13 trường hợp từng mắc COVID-19 và đã được điều trị khỏi từ các địa phương có dịch trở về, tuy nhiên đã có tới 4 trường hợp tái dương tính.

Hỗ trợ nguồn lực cho tuyến đầu

Chiều 21/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức trao 2,5 tỷ đồng cho 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Bệnh viện Dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh) và Trung Đoàn 926 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh (khu cách ly tập trung của tỉnh), để các đơn vị này có thêm nguồn lực thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục