Nữ thủ khoa giàu nghị lực của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội

Trở thành thủ khoa xuất sắc được vinh danh năm 2020, Nguyễn Thị Năm hy vọng bản thân có thể truyền lửa cho các thế hệ sinh viên tiếp theo của trường để ngành Tạo dáng công nghiệp ngày càng phát triển.
Nữ thủ khoa giàu nghị lực của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các đại biểu cùng các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 chụp ảnh chung. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Với điểm học tập toàn khóa đạt 8.39/10, Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1997, quê ở Thanh Hóa) - cô sinh viên giàu nghị lực, vượt khó vươn lên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vinh dự là một trong 88 thủ khoa được vinh danh trong Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.

Nguyễn Thị Năm lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố là cựu chiến binh, mẹ là cựu thanh niên xung phong. Trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, bố mẹ Năm may mắn hơn nhiều đồng đội khác đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng cả hai đều mắc bệnh hiểm nghèo.

Bố Năm là cựu chiến binh nghỉ mất sức lao động, mắc bệnh ung thư thanh quản đã phẫu thuật thành công vào năm 2017 tuy nhiên phải cắt một dây thanh quản nên mất tiếng nói.

Mẹ em là cựu thanh niên xung phong, làm nông vất vả và tranh thủ đi bán phế liệu để nuôi lớn năm người con. Sức khỏe yếu, mẹ Năm mắc nhiều bệnh, quanh năm thuốc thang và nằm viện. Các chị lớn đều đã lập gia đình, bố mẹ sống ở quê và không thể lao động.

Là con út trong gia đình, vượt lên hoàn cảnh, trong suốt những năm học phổ thông, em luôn nỗ lực phấn đấu, không chỉ đạt thành tích học tập tốt mà còn là "lao động chính," là chỗ dựa cho bố mẹ.

Năm 2015, đứng trước quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, Năm đã chọn thi vào ngành Tạo dáng công nghiệp thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nguyễn Thị Năm tâm sự từ thực tế cuộc sống hằng ngày, em nhận thấy nhiều sản phẩm có thiết kế chưa thực sự phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng với những yêu cầu, đặc điểm riêng.

[Hà Nội tuyên dương 88 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện]

Vì vậy, em lựa chọn ngành nghề này với mong muốn chính tay mình sẽ thiết kế ra được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thiết yếu của ba mẹ nói riêng và tất cả các đối tượng trong xã hội nói chung.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thị Năm luôn tự nhủ mình phải không ngừng cố gắng để giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Những năm ngồi trên ghế nhà trường, đã có lúc, Năm suy sụp và dừng việc học để đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng rồi, chính bố mẹ đã động viên em cố gắng ôn thi để vào đại học.

Những năm đầu bước chân vào giảng đường đại học, Năm đi làm thêm nhiều nghề khác nhau để trang trải học phí và hỗ trợ gia đình. Năm thứ nhất, em chỉ đạt sinh viên Khá vì đi làm thêm mà chểnh mảng học tập.

Sau đó, em quyết định phân bổ lại thời gian biểu của mình, dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Đến năm thứ ba, cô sinh viên xứ Thanh mới bắt đầu làm công việc theo đúng chuyên ngành của mình để nâng cao kỹ năng chuyên môn. 

Với quyết tâm ấy, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, nhờ sự nỗ lực và cố gắng của mình, Năm đã gặt hái được nhiều thành công, đạt được kết quả cao trong học tập và rèn luyện, nhận được nhiều học bổng, khen thưởng của các cuộc thi, nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Năm còn nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng như "Câu lạc bộ Handmade" của Đoàn Thanh niên-Hội Sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; tình nguyện viên trong các chương trình như "Họa sĩ nhí chia sẻ yêu thương" triển lãm tranh gây quỹ ủng hộ bệnh nhi tại Công viên Bách Thảo, chương trình "Hanoi March Connecting" của trường, chương trình "Ngày hội phụ nữ là để yêu thương"; tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp cùng nhiều đơn vị khác nhau tổ chức…

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường vì cuộc sống xanh, Nguyễn Thị Năm là thành viên tích cực trong các hoạt động vì môi trường như chuỗi sự kiện"Vì một thế giới không rác thải" do UNESCO, Hội đồng Anh và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam phối hợp tổ chức; sự kiện "Giờ trái đất" hàng năm.

Không ngừng sáng tạo và học hỏi, cô sinh viên luôn chủ động nâng cao vốn kiến thức, tìm kiếm những cơ hội giúp bản thân rèn luyện khả năng thiết kế.

Mỗi khi có các cuộc thi thiết kế trong nước và quốc tế, Năm đều nhiệt tình tham gia. Em đã giành được một số giải thưởng như Giấy chứng nhận sản phẩm tiêu biểu tham dự Triển lãm "International Art and Design Exhibition Under Cooperation, KMUTNB 2018" tại Bangkok - Thái Lan; Giải Nhì cuộc thi sáng tác áp phích "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2018 tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Giải Ấn tượng Cuộc thi sáng tác áp phích "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2018 do Học viện Công nghệ thông tin ITPlus phát động…

Những thành tích nổi bật cùng nhiều danh hiệu, giấy khen, học bổng đã đạt được là niềm tự hào và cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của cô sinh viên giàu nghị lực.

Biết tận dụng những cơ hội để thực hành nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, ngay sau khi tốt nghiệp, nữ sinh viên đã tìm được cho mình một công việc đúng với chuyên ngành đào tạo và đặc biệt là phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của bản thân.

Hiện tại, cô thủ khoa của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đang là trưởng nhóm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm - chuyên viên thiết kế sản phẩm đồ nội thất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiến trúc và Xây dựng SMA studio.

Năm chia sẻ hiện nay, ngành học của em vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam, chưa được nhiều người biết đến và không có nhiều cơ hội phát triển. Khi mới bắt đầu chọn ngành Thiết kế kiểu dáng công nghiệp, đã có rất nhiều lời khuyên nên xem xét lại nhưng em vẫn quyết tâm theo nghề và em chưa từng hối hận vì điều đó.

Trở thành thủ khoa xuất sắc được vinh danh năm 2020, em hy vọng bản thân có thể truyền lửa cho các thế hệ sinh viên tiếp theo của trường để ngành học này ngày càng phát triển.

Năm tâm niệm: "Không cần cứ phải là những sản phẩm hào nhoáng với giá thành cao mà chỉ cần là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu xã hội, đảm bảo giá trị về công năng và thẩm mỹ, đem tới sự hài lòng nhất cho người sử dụng."

Trong tương lai, Năm đang ấp ủ ước mơ mở một trung tâm mỹ thuật dành cho trẻ nhỏ, công việc mà cô đã gắn bó suốt 5 năm nay - nơi mà chính con cái của em sau này có thể tự do sáng tạo và phát triển thẩm mỹ.

Thông điệp mà cô thủ khoa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Nguyễn Thị Năm muốn gửi tới các bạn trẻ là: "Không cần biết xuất phát điểm của bạn ở đâu, chỉ cần bạn biết mục tiêu bản thân đặt ra là gì và mình quyết tâm đến cùng với mục tiêu đó bằng tất cả lòng đam mê, nhiệt huyết sẽ nhất định thành công."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục