Nước nào hưởng lợi từ sự suy yếu của kinh tế Iran?

Nền kinh tế Tehran đang trên bờ vực sụp đổ, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và chính quyền Iran không thể trả lương.
Nước nào hưởng lợi từ sự suy yếu của kinh tế Iran? ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Mạng tin Arab News mới đây đăng bài phân tích về những lợi thế mà Trung Quốc sẽ thu được từ sự suy yếu của nền kinh tế Iran, đặc biệt là các nguồn lợi to lớn đối với Bắc Kinh từ bản dự thảo thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm mà hai nước đang đàm phán ký kết.

Theo nội dung bài viết, chính sách “gây sức ép tối đa” và các lệnh trừng phạt đơn phương mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Iran chắc chắn đã đạt được một trong những mục tiêu chính là gây áp lực kinh tế đáng kể đối với chế độ Iran.

Tuy nhiên, một trong những hậu quả mà Mỹ không lường trước được là Iran hiện đang bị đẩy vào “vòng tay” của Trung Quốc, và Bắc Kinh đang tận dụng tối đa căng thẳng Mỹ-Iran để thu về những lợi ích của riêng mình.

Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei được cho là đã chấp thuận dự thảo thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài trong 25 năm với Trung Quốc.

Bằng cách “bật đèn xanh” cho Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif xúc tiến đàm phán thỏa thuận này, ông Khamenei đang cố gắng chấm dứt những tranh cãi và bất đồng trong nội bộ Iran.

Lãnh tụ tối cao Iran cũng đang cố gắng phát đi thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền và các nhà lập pháp Iran rằng họ nên chấp nhận thỏa thuận và tạm dừng những chỉ trích về các cuộc đàm phán của chính phủ với Trung Quốc.

[Iran tuyên bố tăng cường hoạt động kinh tế bất chấp dịch bệnh COVID-19]

Trước khi ông Khamenei vào cuộc, ngay cả một số nhân vật nổi bật theo đường lối cứng rắn ở nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đặt câu hỏi về thỏa thuận với Trung Quốc.

Ví dụ, Mahmoud Ahmadi Bighash, một thành viên cứng rắn của Quốc hội Iran, đã phát biểu với kênh truyền hình nhà nước và cảnh báo về việc chuyển nhượng quyền quản lý nhiều hòn đảo của Iran cho Trung Quốc đã được đưa vào dự thảo thỏa thuận hợp tác nói trên.

Bộ Ngoại giao Iran ngay lập tức ra tuyên bố coi bình luận của ông Bighash là “sai lầm cơ bản,” đồng thời những cáo buộc vô căn cứ đó là một đòn giáng mạnh vào lợi ích quốc gia của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Sau đó, ông Bighash rút lại nhận xét của mình và phân trần rằng: “Tôi đã đọc bản dự thảo thỏa thuận Iran-Trung Quốc và không có phần nào trong văn bản nhắc tới bất kỳ thảo luận về việc cho Trung Quốc thuê đảo của Iran.”

Hiện tại, rõ ràng vị lãnh tụ tối cao Khamenei đã ủng hộ thỏa thuận này. Trong khi đó, Quốc hội Iran, nơi những nghị sỹ theo đường lối cứng rắn chiếm đa số, rất có thể sẽ làm theo chỉ thị của lãnh tụ tối cao và chấp thuận đề xuất hợp tác.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Iran cũng đã bắt đầu tuyên truyền rằng thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc là lợi ích quốc gia Iran. Ví dụ, một tiêu đề trên tờ báo Kayhan có nội dung “Hội đồng giám hộ: Quan điểm của kẻ thù đối với thỏa thuận Iran-Trung Quốc cho thấy Teheran đã làm đúng.”

Báo Donya-e-Eqtesad ca ngợi Bắc Kinh qua bài viết: “Thăm dò ý kiến cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vượt trội so với những nước khác trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.”

Nhưng điều quan trọng cần lưu ý rằng Trung Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ thỏa thuận toàn diện này so với Iran. Chính quyền Iran đã tham gia đàm phán với Trung Quốc với vị thế yếu hơn.

Nền kinh tế Tehran đang trên bờ vực sụp đổ, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và chính quyền Iran không thể trả lương cho nhân viên nhà nước và các nhóm dân quân.

Các điều kiện kinh tế suy giảm đến mức thậm chí một số quan chức còn cảnh báo về khả năng xảy ra nổi dậy ở Iran và sự sụp đổ của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nói cách khác, chế độ Iran đang ở trong trạng thái sống còn và rất cần tiền mặt để duy trì sự tồn tại.

Mặt khác, Trung Quốc lại có những nguồn lực mạnh mẽ và ở vị thế tốt hơn nhiều Iran về kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 3,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 vừa qua, trong khi nhiều quốc gia khác ghi nhận sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã từng bước vượt qua tác động bất lợi của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 và chứng minh động lực phục hồi tăng trưởng, qua đó cho thấy khả năng tồn tại và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Đây có thể là lý do vì sao Trung Quốc có thể đưa ra các điều khoản thỏa thuận có lợi cho Bắc Kinh hơn là Tehran.

Với kế hoạch đầu tư gần 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm tới, số tiền được coi là rất lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận nguồn dầu mỏ khổng lồ của Iran với mức chiết khấu cao, đồng thời Bắc Kinh có thể tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Iran, từ viễn thông, năng lượng, cảng biển, đường sắt cho đến khu vực ngân hàng. Điều đáng chú ý, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình ở Iran, thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" và gặt hái những thành quả trong 25 năm tới, bất kể có thay đổi chế độ ở Iran hay không do các thỏa thuận này thường được ràng buộc và chi phối bởi luật pháp quốc tế.

Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh thông qua sự hiện diện ở Iran. Đoạn mở đầu của dự thảo thỏa thuận nêu rõ “Hai nền văn hóa châu Á cổ đại, hai đối tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh với triển vọng tương tự và nhiều lợi ích song phương và đa phương sẽ cùng xem xét về một thỏa thuận đối tác chiến lược.”

Rõ ràng, Trung Quốc sẽ là bên giành chiến thắng và hưởng lợi lớn nhất từ sự suy yếu của nền kinh tế Iran và sự cô lập ngày càng lớn mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang phải trải qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục