Ngày 19/11, Chính phủ Pakistan đã thành lập một phiên tòa đặc biệt, chính thức khởi động tiến trình xét xử cựu Tổng thống kiêm Tư lệnh Quân đội Pervez Musharraf về tội phản quốc do đã đình chỉ hiến pháp trong khi ban bố tình trạng khẩn cấp tại đất nước này hồi năm 2007.
Hình phạt cao nhất cho tội phản quốc ở Pakistan có thể lên đến án tù chung thân hoăc tử hình.
Trước đó cùng ngày, Tòa án tối cao nước này đã thông qua danh sách ba thẩm phán tối cao tham gia phiên tòa đặc biệt xét xử ông Musharraf, theo yêu cầu của Chính phủ Pakistan đưa ra hôm 18/11. Trước đó, trong danh sách 5 thẩm phán được đề nghị, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã phê chuẩn 3 vị, gồm Thẩm phán Faisal Arab đến từ tòa án miền Nam bang Sindh, Thẩm phán Syeda Tahira Safdar của tòa án Tây Nam Balochistan và Thẩm phán Yawar Ali của tòa án Lahore. Trong đó, Thẩm phán Faisal Arab sẽ đứng đầu phiên tòa đặc biệt trên.
Thông báo công khai về quyết định xét xử ông Musharraf tội phản quốc đã được Bộ trưởng Nội vụ Pakistan đưa ra ngày 17/11, theo đó ông Musharraf, 69 tuổi, có thể phải đối mặt với án tù chung thân hoặc tử hình. Cáo buộc trên liên quan đến việc năm 2007 ông Musharraf đã ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về tính hợp pháp của việc ông tái đắc cử tổng thống một tháng trước đó trong khi ông vẫn là tư lệnh quân đội. Và, trong khi áp đặt tình trạng khẩn cấp, ông Musharraf đã đình chỉ hiến pháp và quốc hội, sa thải các thẩm phán cấp cao - những người cho rằng hành động của ông là vi hiến và bất hợp pháp.
Ông Musharraf hiện liên quan tới 3 vụ án lớn, trong đó có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto năm 2007.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 66 năm qua của Pakistan, một cựu tư lệnh quân đội bị xét xử tội danh phản quốc./.