Phán quyết của PCA giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông

Các chuyên gia chính trị quốc tế đều đánh giá cao ý nghĩa của phán quyết Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và nhấn mạnh phán quyết sẽ giúp giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông.
Phán quyết của PCA giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông ảnh 1Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 17/7/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự kiện Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông tiếp tục là chủ đề được dư luận thế giới quan tâm.

Các chuyên gia chính trị quốc tế đều đánh giá cao ý nghĩa của phán quyết này và nhấn mạnh phán quyết sẽ giúp giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore, chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đánh giá rằng phán quyết của PCA, với việc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và kết luận về các thực thể tại Biển Đông, không chỉ có ý nghĩa với Philippnes mà còn ý nghĩa đối với Trung Quốc và cả khu vực.

Sau phán quyết của Tòa, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông.

Cùng đánh giá về phán quyết của PCA, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng có thể coi đây là một cột mốc lịch sử trong tiến trình tranh chấp Biển Đông từ trước tới nay, vì đây là lần đầu tiên một quốc gia đã sử dụng các công cụ pháp lý để thách thức các yêu sách của một quốc gia khác tham gia vào tranh chấp này.

Theo tiến sỹ Hồng Hiệp, ý nghĩa quan trọng của phán quyết thể hiện ở chỗ nó đã làm sáng tỏ một số các yêu sách của các bên liên quan, qua đó có thể thúc đẩy các bên hướng tới khả năng giải quyết được cuộc xung đột này về lâu dài.

Đặc biệt, phán quyết của Tòa đã giúp thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp ở trên Biển Đông, nhất là các tranh chấp liên quan tới yêu sách của Trung Quốc xung quanh đường lưỡi bò và các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, Tòa đã ra phán quyết tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử trong phạm vi "đường 9 đoạn" là đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vì vậy nó không có giá trị pháp lý.

Một điểm nữa là Tòa xác nhận rằng không có một thực thể nào ở quần đạo Trường Sa có đủ điều kiện để coi là một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người, cũng như khả năng duy trì đời sống kinh tế riêng theo quy định của điều 121 của UNCLOS 1982, chính vì vậy không có thực thể nào ở trong quần đảo Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế lên tới 200 hải lý, mà chỉ có tối đa được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý. Vì vậy nó đã làm giảm đáng kể các chồng lấn trong các yêu sách của các bên ở trên Biển Đông. 

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng phán quyết của PCA có tác động tới đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc tuân thủ của các bên. Tuy nhiên, có thể khẳng định phán quyết của PCA là một bước ngoặt trong tranh chấp Biển Đông và có thể góp phần hóa giải bài toán phức tạp này về lâu dài. 

Liên quan đến phán quyết của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 12/7 đã tuyên bố "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài."

"Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương."

"Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục