Phát thuốc, hỗ trợ dân vệ sinh môi trường, sát khuẩn nguồn nước sau lũ

Sau khi nước lũ rút, môi trường và nguồn nước ở miền Trung bị ô nhiễm nên Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và ngành y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến phát thuốc và hướng dẫn bà con cách phòng bệnh sau lũ.
Phát thuốc, hỗ trợ dân vệ sinh môi trường, sát khuẩn nguồn nước sau lũ ảnh 1Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tiến hành khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B cho hộ dân. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sau khi nước lũ rút, môi trường và nguồn nước tại các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy… tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.

Để kịp thời chăm sóc sức khỏe người dân sau khi lũ rút, lực lượng quân y Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã về các vùng lũ triển khai thăm khám, cấp phát thuốc và hướng dẫn bà con cách chăm sóc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ người dân trong công tác vệ sinh môi trường.

Chị Lê Thị Thanh Hoa, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thuộc hộ gia đình neo đơn. Nhà chị nằm trong vùng rốn lũ của huyện, dù nhà được xây dựng trên vùng đất khá cao nhưng do nước lũ lên tràn về nhanh và bất ngờ, kèm theo mưa to liên tục khiến nhà chị bị ngập chìm trong nước. Khi thấy nước lũ dâng nhanh, chị lao ra để chằng chống cánh cửa thì bị sập mạnh vào chân làm sưng tấy và đau nhức.

Chị Hoa bộc bạch: “Mưa lũ liên tiếp kéo dài suốt mấy ngày trời, chân tôi đau thấu xương chịu không nổi nhưng không biết làm cách nào. Quanh nhà nước lũ trắng xóa, nhà nào nhà nấy nước lũ ngập quá đầu người nên không thể làm gì được. May có đoàn y tế của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình về thăm khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho bà con, tôi tới đây để nhờ các chú bộ đội kiểm tra và cho thuốc.”

Cầm trên tay chai nước sát trùng và bọc thuốc các loại vừa được lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cấp pháp, ông Đỗ Bình Trọng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, xúc động cho biết lũ rút rồi, giờ lo nhất là dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Mong rằng, người dân ở các xã vùng lũ sẽ được các cấp các ngành quan tâm nhiều hơn, nhất là chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ kinh phí và các vật phẩm… để bà con yên tâm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, sản xuất.

Không chỉ đồng hành, hỗ trợ nhân dân trong công tác ứng phó, chống chọi với thiên tai, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã kịp thời có mặt tại các vùng xung yếu, vùng ngập lụt trên hai tuyến biên giới của tỉnh, sát cánh cùng nhân dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.

Lực lượng Biên phòng tỉnh đã được bố trí về các địa bàn giúp sức, hỗ trợ người dân vùng lũ khắc phục hậu quả, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường.

[150.000 dân cần hỗ trợ lương thực, 7 triệu người cần chỗ ở khẩn cấp]

Trung tá Đinh Như Triêm, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết sau mưa lũ, tình hình môi trường tại các vùng ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các bệnh, nhất là bệnh về da, hô hấp, mắt, tiêu hóa và các bệnh thông thường khác.

Để chia sẻ khó khăn với nhân dân, bên cạnh việc thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng đã bố trí lực lượng, phương tiện tham gia vệ sinh môi trường ở một số trường học và khu dân cư tại thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy, khu vực biên giới của tỉnh.

Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng tăng cường lực lượng bám, nắm địa bàn, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cách xử lý xác vật nuôi, rác thải đúng quy định… nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả sau bão lụt.

Tại Thừa Thiên-Huế, ngành y tế tỉnh cũng đang khẩn trương cùng người dân tăng cường phòng, chống các dịch bệnh sau mùa mưa lũ.

Thời tiết tại hiện nay đã tạnh ráo trở lại. Hầu hết các khu vực nước lũ đã rút, trừ một số địa bàn thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền. 

Là những địa phương có tỷ lệ thiệt hại lớn do mưa lũ vừa qua gây ra, huyện Quảng Điền và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có gần 100% xã, thị trấn; 92 trường học; 34 chợ và trên 33.000 hộ dân bị ngập lụt.

Phát thuốc, hỗ trợ dân vệ sinh môi trường, sát khuẩn nguồn nước sau lũ ảnh 2Phân bổ hàng hóa, thiết bị hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Nước lụt rút để lại ngổn ngang rác thải, xác chết động vật và các thiết bị, đồ dùng gia đình tồn đọng trong môi trường. Vì vậy, ngay sau khi thời tiết ổn định, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức các đoàn công tác đến các xã thấp trũng của hai huyện trên để kiểm tra, giám sát trực tiếp và tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh.

Bà Hoàng Thị Như Hoa, người dân tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho hay, bà được các cán bộ y tế khuyến cáo một số bệnh có nguy cơ mắc phải sau mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, đỏ mắt, tiêu chảy… đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh. Vì vậy, gia đình bà đã thực hiện nghiêm túc việc thau rửa, đậy kín và thả cá vào dụng cụ chứa nước, mắc màn khi đi ngủ, ăn chín uống sôi.

Chủ yếu những người dân sống tại hai huyện nêu trên đều sử dụng nước máy làm nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh hằng ngày.

Bên cạnh đó, khi nước lũ bắt đầu rút, bà con có ý thức cao vệ sinh nhà cửa, thau vét bọ gậy, khử trùng môi trường. Tại các khu vực đường phố, nơi công cộng, công ty môi trường đã nhanh chóng thu gom và xử lý rác thải tập trung; đảm bảo trả lại môi trường sạch sẽ cho địa phương.

Đến nay, hầu hết các vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được kiểm tra, giám sát việc khắc phục bão lũ và phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Văn Đức cho biết ngay từ trước khi bão lũ diễn ra, các địa phương đã có sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và hóa chất.

Vì vậy, với phương châm “bốn tại chỗ,” các cán bộ, nhân viên y tế địa phương đã chủ động dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phục vụ người dân và xử lý các trường học, chợ, nơi tập trung đông người… Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện sự gia tăng đột biến nào về bệnh tật liên quan đến mưa lũ.

Với nguồn hàng tiếp nhận từ Bộ Y tế trong tháng 10 này, ngành y tế tỉnh đã phân bổ theo nhu cầu về các địa phương bao gồm Chloramine B 500, viên khử khuẩn Aquatabs, khẩu trang, trang phục phòng chống dịch...

Phát thuốc, hỗ trợ dân vệ sinh môi trường, sát khuẩn nguồn nước sau lũ ảnh 3Lực lượng cứu hộ nỗ lực đưa hàng cứu trợ về đồng bào vùng lũ. (Ảnh: TTXVN)

Song song đó, hai đội cơ động tuyến huyện cùng năm đội cơ động tuyến tỉnh được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập cũng sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ với đầy đủ thuốc men, hóa chất được trang bị. Ngay khi thời tiết khô ráo sẽ triển khai phun hóa chất phòng chống dịch trên diện rộng.

Ngoài việc hỗ trợ bà con phòng chống dịch bệnh, công tác khắc phục hậu quả, tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng, thực hiện khẩn trương.

Theo thống kê sơ bộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 30% trung tâm y tế bị thấm dột, tốc mái và khoảng 50% trạm y tế bị thấm dột. Đặc biệt, trạm y tế xã Hương Vân (thị xã Hương Trà) bị tróc mái hoàn toàn tầng 2.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế trong toàn tỉnh bị nước lũ vào ngập sâu trung bình từ 0,3 đến 0,6m, tập trung tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà. Trung tâm y tế tại hai huyện Nam Đông và A Lưới bị chia cắt do sạt lở tại đèo La Hy (huyện Nam Đông) và A Co (huyện A Lưới), gây khó khăn trong công tác chuyển tuyến bệnh nhân của đơn vị.

Vì vậy, ngay sau khi tình hình mưa lũ giảm, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động các cán bộ, nhân lực đến các trung tâm y tế thấp trũng, bị thiệt hại để hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, sát khuẩn nguồn nước và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Bệnh nhân và các cán bộ y tế cũng được hỗ trợ thuốc men, viên khử khuẩn, khẩu trang và trang phục phòng chống dịch…

Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, các cơ sở y tế bị ngập lụt đang khẩn trương vệ sinh môi trường, thu gom xác động vật chết, rác thải và sử dụng các biện pháp rải vôi bột, phun hóa chất tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nhân lực, thuốc men, hóa chất và vật tư y tế được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trở lại.

Trước tình hình thời tiết bất thường, nguy cơ mưa bão phức tạp sắp tới, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm việc chủ động phòng chống bão lụt; quán triệt phương châm “bốn tại chỗ;” thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão lụt để ứng phó tốt khi có thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, các đơn vị phải có phương án bảo vệ cơ sở vật chất, bảo quản vật tư, thuốc men đồng thời dự trữ lương thực, thuốc men, hóa chất, nguồn điện, nước sạch… trước khi bão lụt xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục