Phát triển kinh tế biển đảo: "Cần chú trọng tới tài nguyên tinh thần"

Theo đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, bên cạnh việc đầu tư để khai thác các tài nguyên biển đảo thì cần phải quan tâm nhiều hơn đến tài nguyên về tinh thần, văn hóa và di sản văn hóa.
Phát triển kinh tế biển đảo: "Cần chú trọng tới tài nguyên tinh thần" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí bên lề quốc hội khóa 13 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được các đại biểu quốc hội thảo luận trong phiên sáng nay (28/5) nhằm thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tài nguyên, môi trường. Đây cũng là cơ sở để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được đầy đủ, thống nhất; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp.

Bên cạnh các ý kiến đề nghị cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định của dự thảo Luật để có thể quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên các vùng biển, đặc biệt là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách tốt hơn thì một số ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc khai thác các yếu tố di sản cũng như tập quán của người dân.

Bên lề kỳ họp thứ 9, quốc hội khóa 13, đại biểu Dương Trung Quốc đã có trao đổi với phóng viên xung quanh dự thảo luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm làm rõ hơn về khía cạnh này.

- Thưa ông, dự thảo luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được các đại biểu quốc hội đặc biệt quan tâm, với vai trò là nhà sử học ông thấy cần chú trọng thêm những vấn đề gì?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Như các bạn thấy, nhiều đại biểu quốc hội khi thảo luận về luật này đã nhấn mạnh đến việc phải có một Bộ quản lý chuyên ngành về Biển đảo.

Khi soạn thảo, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm đến tài nguyên biển đảo tức là chủ yếu nhấn mạnh về vật chất.

Nhưng ở một khía cạnh khác, theo tôi đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến tài nguyên về tinh thần, văn hóa và di sản văn hóa.

Có thể đơn cử một ví dụ như giới khảo cổ chúng tôi đang đứng trước nhiều nhu cầu về khảo cổ biển nhất là việc khai thác các con tàu đắm... chúng ta nhớ rằng từ xa xưa khi các vua chúa thời Nguyễn cử các đoàn dân đinh như Hoàng Sa hay Bắc Hải ra vùng đất Hoàng Sa hiện nay chủ yếu để quan sát một luồng hàng hải rất lớn đi dọc theo bờ biển duyên hải của Việt Nam để nhặt những sản vật do những con tàu đắm để lại, cũng như tham gia cứu hộ các con tàu đắm. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đến bây giờ, giới chuyên gia vẫn coi khu vực Biển Đông của chúng ta là một khu vực chứa nhiều tài nguyên quý.

Từ thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu tài nguyên biển đảo không chỉ là giá trị vật chất cụ thể của những cổ vật mà trong đó còn chứa đựng cả những giá trị về văn hóa.

Hơn thế nữa, với bờ biển dài của đất nước hiện nay và với nhiều dân cư sinh sống lâu năm, hành nghề lâu năm cũng để lại nhiều di sản văn hóa hết sức quan trọng mà chúng ta phải nghiên cứu, từ lễ hội đến kinh nghiệm nghề biển của các ngư dân, qua đó mới có thể khai thác hết tiềm năng của các vùng biển.

- Vậy theo ông sẽ cần phải có cơ chế như thế nào để giúp chúng ta có thể khai thác và bảo vệ tốt hơn được các nguồn tài nguyên kể cả vật chất lẫn di sản như đã nêu?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Có lẽ, qua câu chuyện vừa rồi, chúng ta vẫn vấp phải một vấn đề đó là nhà nước sẵn sàng đầu tư số tiền không nhỏ để người dân có thể thay đổi được phương tiện đánh bắt cá của mình, nhưng rõ ràng việc này muốn thành công thì cần thêm một yếu tố đó là phải nghiên cứu kỹ về tập quán, năng lực và các vấn đề liên quan khác không đơn thuần chỉ là kinh tế.

Rõ ràng khi chưa khảo sát kỹ nên nhiều cơ chế vẫn còn bị ách tắc. Dẫn chứng cụ thể nhất là việc một số ngư dân nói là đóng tàu sắt không hợp với tập quán đi biển của chúng tôi. Từ ví dụ trên, rõ ràng cần phải xem xét kỹ lưỡng về tập quán của người dân.

Từ trước đến nay, việc nghiên cứu đầu tư cả về hợp tác quốc tế trong vấn đề hải dương học vẫn chủ yếu là tài nguyên dưới lòng đất, trong lòng biển như hải sản, khoáng sản, dầu khí… nhưng để tận dụng hết các lợi thế thì theo tôi phải quan tâm nhiều hơn tới di sản văn hóa.

Dự thảo luật lần này cũng tập trung làm rõ đến vấn đề tập quán văn hóa, nhưng dù đã có những cơ chế thì theo tôi để thành công, còn một vấn đề nữa là nguồn lực đầu tư vì nghiên cứu cơ bản hết sức tốn kém và đòi hỏi phải có sự tích lũy lâu dài, cũng như không thể nóng vội được.

- Một số đảo tiền tiêu như Trường Sa, Lý Sơn... đại biểu cũng có ý kiến cho rằng chúng ta huy động nguồn lực để phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ tốt biển đảo. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của nhà nước rất lớn như việc tạo hành lang pháp lý để xã hội hóa đầu tư. Có thể thấy một mình nhà nước không thể làm hết được mà cần rất nhiều vai trò của các doanh nghiệp.

Chúng ta đều thấy, nguồn lợi cuối cùng trở thành một cái rất là thực tế thì đòi hỏi trí tuệ năng lực của con người biết khai thác, quản lý nó một cách tốt nhất. Rõ ràng dự thảo luật này đã bắt đầu đặt ra một môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực vào, kể cả hợp tác quốc tế.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục