Phát triển taxi bay chạy điện, rút ngắn thời gian đi và đến sân bay

Các hãng hàng không thương mại của Mỹ đang đầu tư phát triển taxi bay chạy điện để thực hiện các chuyến đến và đi từ sân bay ngắn hơn và nhanh hơn cho hành khách.
Phát triển taxi bay chạy điện, rút ngắn thời gian đi và đến sân bay ảnh 1Máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) có thể hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không. (Nguồn: Flyingmag)

Một thế giới với các phương tiện bay, giống như bộ phim sitcom "The Jetsons" thập niên 1960, có thể ở gần hơn chúng ta dự kiến. Các công ty trên khắp nước Mỹ, bao gồm một số công ty mới thành lập, đang phát triển taxi bay chạy điện nhằm đưa ôtô ra khỏi mặt đường và đưa hành khách lên bầu trời.

Cụ thể, các hãng hàng không thương mại đang đầu tư vào loại công nghệ này để thực hiện các chuyến đến và đi từ sân bay ngắn hơn và nhanh hơn cho hành khách.

Vào tháng 10/2022, Delta Air Lines đã gia nhập danh sách các hãng hàng không hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ EV, với khoản đầu tư 60 triệu USD vào Joby Aviation, một công ty phát triển máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL), dự định hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không.

Vào năm 2021, khi Joby công bố kế hoạch ra mắt taxi hàng không giống Uber vào năm 2024, hãng này đã dấy lên sự hoài nghi lớn từ các nhà phân tích trong ngành về khả năng ra mắt vào thời điểm đó. Nhưng khoản đầu tư của Delta vào Joby là một quan hệ đối tác kéo dài 5 năm để vận hành eVTOL độc quyền trong mạng lưới kinh doanh của Delta.

United Airlines cũng đang hợp tác với một công ty khởi nghiệp Heart Aerospace có trụ sở tại Thụy Điển để sản xuất máy bay điện hoạt động trên các tuyến đường trong khu vực vào năm 2030.

Động thái đó bổ sung vào hai khoản đầu tư eVTOL khác của hãng hàng không này, một là khoản đầu tư 15 triệu USD với Eve Air Mobility cho 200 eVTOL và khoản đầu tư 10 triệu USD với Archer Aviation cho 100 eVTOL.

American Airlines cũng đã đầu tư 25 triệu USD vào Vertical Aerospace, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, với đơn đặt hàng 50 chiếc eVTOL. Mặc dù các hãng hàng không lớn đều tham gia thỏa thuận với các công ty khởi nghiệp toàn cầu, nhưng điều quan trọng những thỏa thuận này là có điều kiện.

[Mẫu ôtô bay hai chỗ ngồi độc đáo ra mắt tại Trung Quốc]

Savanthi Syth, Giám đốc phân tích nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Raymond James, cho biết điều đó phụ thuộc vào chứng nhận của những chiếc máy bay này và tốc độ sản xuất của các công ty.

Sau khi những chiếc máy bay này được chứng nhận và bắt đầu tăng cường sản xuất, ông Syth cho biết quy mô thị trường tiềm năng phần lớn phụ thuộc vào khả năng đưa eVTOL tiếp cận người tiêu dùng.

Các công ty hình dung eVTOL sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có để vận hành, chẳng hạn như tạo ra “vertistop,” nơi máy bay hạ cánh trên nóc các tòa nhà trong khu vực đô thị để sạc giữa các khoảng cách ngắn hoặc “vertiport,” sử dụng các sân bay trong khu vực để sạc giữa các khoảng cách dài hơn, khoảng hơn 160km.

Ông Syth cho biết nếu các công ty có thể đặt vertistop và vertiport gần với người tiêu dùng trong khu dân cư thì quy mô thị trường có thể lớn hơn.

Ông nói: “Chúng tôi dự đoán một lượng eVTOL nhỏ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2025, với các chứng nhận sẽ có được vào năm 2024. Nhưng để bạn có thể thấy nhiều hơn những chiếc taxi bay trên đầu, khả năng là vào những năm 2030."

Beau Roy, Giám đốc điều hành cấp cao của FTI Consulting, chuyên về ngành hàng không, cho biết các hãng hàng không không chỉ đang loại bỏ ôtô trên đường vì lợi ích của môi trường mà còn mở ra cơ hội để người tiêu dùng trả tiền cho một giải pháp thay thế ôtô nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Các hãng hàng không đang xem xét làm thế nào để có được mức chi phí và tính thông dụng được phổ biến rộng rãi hơn cho mọi người.

Nếu eVTOL đủ rẻ và có thể tiết kiệm thời gian, mọi người sẽ thay đổi hành vi đi lại của mình và dần rời bỏ những chiếc ôtô cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục