Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN: Vẫn thiếu dự án mang tính di sản

Chính sách hướng Nam mới là “một thành tựu” của chính quyền tự do Moon Jae-in. Nhưng trong khi có rất nhiều dự án hợp tác với từng nước ASEAN, họ không có gì ngoài các hiệp định thông thường.
Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN: Vẫn thiếu dự án mang tính di sản ảnh 1Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đã làm sâu sắc các mối quan hệ và hợp tác giữa hai bên trong vô số lĩnh vực, nhưng phân tích của báo The Straits Times ngày 27/11 nhận định rằng mối quan hệ đối tác này vẫn thiếu một “dự án mang tính di sản” để đi vào lịch sử.

Hàng chục bản ghi nhớ đã được ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc khi Hàn Quốc tìm cách tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong các lĩnh vực từ công nghệ và logistics đến an ninh và thành phố thông minh.

Điều đáng chú ý là tập đoàn ôtô khổng lồ của Hàn Quốc Hyundai đã tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD vào Indonesia để xây dựng một nhà máy sản xuất ở Kota Deltamas, phía Đông Jakarta, vào năm 2021.

Việc thành lập một Trung tâm khởi nghiệp Hàn Quốc ở Singapore vào năm sau cũng đã được lên kế hoạch để hỗ trợ các công ty nhỏ của Hàn Quốc mong muốn làm ăn kinh doanh ở Đông Nam Á với Singapore là nền tảng.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, sau Trung Quốc.

Thương mại song phương đã tăng từ 119 tỷ USD năm 2016 lên 160 tỷ USD năm 2018, dựa trên sức mạnh của Chính sách hướng Nam mới (NSP) của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm thúc đẩy quan hệ với các khối khu vực.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Lee Jae-hyon, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan, NSP là “một thành tựu” của chính quyền tự do Moon Jae-in.

Nhưng trong khi có rất nhiều dự án hợp tác với từng nước ASEAN, họ không có gì ngoài các hiệp định thông thường.

Ông nói: “Sự đổi mới trong NSP là ở đâu? Chúng ta cần một ‘dự án đầu tàu’ để cho người dân ASEAN thấy rằng Hàn Quốc đang hành động. Chúng ta cần để lại một di sản."

Chuyên gia Shawn Ho thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang cũng nhất trí rằng sẽ là điều tốt đẹp nếu có một sáng kiến có thể kết nối ASEAN và Hàn Quốc.

Nó có thể không có quy mô như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hay như Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Nhưng nó có thể là một dự án ký kết tập trung cho quan hệ ASEAN-Hàn Quốc. Đây có thể là cái mà Hàn Quốc có thể khai thác cho giai đoạn hai của NSP khi Tổng thống Moon Jae-in vẫn còn một nửa nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Các nhà phân tích đều nhất trí rằng Tổng thống Moon Jae-in xứng đáng được tin tưởng với NSP của ông, mặc dù ông còn đang phải đối mặt với các thách thức ngoại giao khác, như quan hệ liên Triều đầy khó khăn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những bất đồng với Nhật Bản trong các vấn đề lịch sử.

Trên thực tế, NSP nảy sinh từ nhu cầu cấp bách của Seoul phải đa dạng hóa chính sách ngoại giao và giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào các đối tác truyền thống của Hàn Quốc-Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Quan hệ Hàn Quốc-ASEAN: Vẫn thiếu dự án mang tính di sản ảnh 2Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc ở thành phố cảng Busan ngày 26/11/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

[Vai trò của Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc]

Kể từ khi chính sách này được công bố vào cuối năm 2017, ông Moon đã trở thành vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đi thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN trong nhiệm kỳ của mình.

Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế khả năng vươn tới ASEAN của ông Moon có thể là thành tựu ngoại giao lớn nhất của ông.

Chuyên gia nghiên cứu quốc tế Leif-Eric Easley thuộc trường Đại học Ewha Womans của Hàn Quốc đánh giá: “Chính sách hướng Nam mới có thể là di sản chính sách đối ngoại lớn nhất của Moon nếu, bằng việc chứng minh được những thành tựu trong việc xây dựng năng lực ở khu vực Đông Nam Á, Seoul có thể thể hiện một cách đáng tin cậy cho Bình Nhưỡng thấy những lợi ích của sự hội nhập trong tương lai. Những đóng góp cho sự tốt đẹp chung của khu vực cũng có thể giúp Hàn Quốc tìm ra được hướng đi trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung bằng việc bổ sung cho cả Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lẫn Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà không phải lựa chọn một trong hai."

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng vẫn cần phải chờ xem liệu NSP có bị "mất đà" khi mối quan hệ liên Triều được cải thiện.

Năm ngoái, ông Moon đã được ca ngợi khi đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhưng mối quan hệ xuyên biên giới hiện đóng băng sau khi Bình Nhưỡng và Washington không thu hẹp được những bất đồng giữa họ trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân.

Nếu các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên diễn ra tốt đẹp và đem lại sự thay đổi lịch sử trên bán đảo, thì đó sẽ là di sản lớn nhất của Tổng thống Moon Jae-in.

Và, điều vẫn không chắc chắn là tiến bộ trong quan hệ ASEAN-Hàn Quốc có thể theo kịp tiến bộ tiềm tàng trong quan hệ liên Triều nếu đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục