Quan hệ Việt-Mỹ và tầm quan trọng của khắc phục hậu quả chiến tranh

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Mỹ, được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm thúc đẩy.
Quan hệ Việt-Mỹ và tầm quan trọng của khắc phục hậu quả chiến tranh ảnh 1Khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 3/8, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam: Chặng đường phía trước” với sự tham dự của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington DC, hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 26 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ (12/7/1995-12/7/2021), diễn ra sau khi Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước vừa ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác tìm kiếm, qui tập và xác định danh tính hài cốt bộ đội Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Hội thảo mở đầu với lễ ra mắt Dự án khắc phục hậu quả chiến tranh và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VMIA) do USIP phát động.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Mỹ, được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm thúc đẩy.

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy khẳng định Dự án VMIA thể hiện mong muốn của phía Mỹ đáp lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc hỗ trợ Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích hơn 40 năm qua, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Về phần mình, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam-Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích.

Thượng tướng đề nghị phía Mỹ tái khẳng định cam kết và tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam về ra phá bom mìn, xử lý hậu quả chất độc hóa học dioxin, trong đó trước mắt là huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý tẩy độc toàn bộ sân bay Biên Hòa.

Phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là việc tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh đối với quá trình hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lòng tin, qua đó thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển toàn diện.

Đại sứ mong muốn chính quyền, Quốc hội Mỹ, các tổ chức cựu chiến binh, báo chí và người dân Mỹ tiếp tục quan tâm, ủng hộ và hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh nói riêng.

[Quan hệ Việt-Mỹ trong năm 2020 và tiềm năng trong năm 2021]

Đại sứ cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của phía Mỹ, nhất là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), dành thêm nguồn lực xây dựng tại Việt Nam Trung tâm Công nghệ cao hỗ trợ xác định danh tính bộ đội Việt Nam mất tích.

Nhân dịp này, Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng cảm ơn Chính phủ Mỹ đã viện trợ vaccine cho Việt Nam và khẳng định việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh để Việt Nam chống dịch COVID-19 thể hiện rõ tinh thần hữu nghị và quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trả lời phóng viên TTXVN trong cuộc tọa đàm báo chí được tổ chức trong khuôn khổ hội thảo, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết có 3 yếu tố để hai bên đạt được những bước tiến sâu sắc và thực chất trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến.

Thứ nhất là sự hợp tác nhất quán, lâu dài và hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhằm giúp những người bạn Mỹ tìm kiếm hài cốt các binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn coi đây là một vấn đề nhân đạo và sự hợp tác của Việt Nam với Mỹ là không có bất kỳ điều kiện nào. Thứ hai là quan hệ song phương tổng thể giữa Việt Nam và Mỹ đã được cải thiện nhiều trong 26 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ.

Mỹ và Việt Nam từ hai nước cựu thù đã chuyển thành bạn và giờ đây các đối tác và chính phủ và người dân Mỹ hiểu rõ hơn và thông cảm hơn với những gì mà người dân Việt Nam đã, đang và sẽ phải gánh chịu sau chiến tranh.

Và cuối cùng chính là nhờ nhóm Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, ông Tim Riser cùng các quan chức và bạn bè Mỹ và Việt Nam đã nỗ lực vì sáng kiến này và đã làm cho nó có hiệu lực.

Nhận định về thách thức trong quá trình hợp tác giữa hai nước trong giải quyết hậu quả chiến tranh, ông Tim Rieser cho biết một trong những khó khăn là sự thay đổi lãnh đạo của cả hai nước và điều này có thể ảnh hưởng tới sự kế tục các công việc giữa hai bên trong tương lai.

Theo ông Rieser, cần phải đảm bảo rằng tất cả những người mới thay thế người cũ đều có hiểu biết chung về lý do tại sao hai bên hợp tác trong lĩnh vực này và tại sao điều đó lại quan trọng đối với cả hai quốc gia.

Ông Tim Rieser cho rằng việc USIP tổ chức sự kiện này thật sự đáng khích lệ bởi đây là cơ hội để đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Quốc hội thảo luận cùng nhau và vượt qua khó khăn và trở ngại. Chắc chắn rằng sẽ vẫn còn những thách thức mới bởi đây không phải là vấn đề dễ dàng để giải quyết.

Theo ông Tim Rieser, thách thức đồng nghĩa với cơ hội để hai bên học hỏi lẫn nhau, làm việc cùng nhau để nhìn thấy các cơ hội, mở rộng hơn nữa các mối quan hệ và mang lại lợi ích cho người dân của cả hai nước.

Hội thảo là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy công tác tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Đồng thời, Hội thảo cũng góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các giới ở Mỹ, nhất là thế hệ trẻ, về trách nhiệm đóng góp vào việc xử lý hậu quả chiến tranh và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục