Quảng Ngãi: Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát

Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang thu dung và điều trị gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết, đa phần đều là bệnh nhân nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.
Quảng Ngãi: Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát ảnh 1Triển khai chiến dịch diệt loăng quăng. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Từ đầu năm 2022 đến ngày 8/11, Quảng Ngãi đã ghi nhận hơn 3.700 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành y tế tỉnh đang tăng cường nhân lực, phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, ngăn dịch bùng phát và lây lan rộng.

Đến nay, các xã, phường của thành phố Quảng Ngãi đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết với 50 ổ dịch nhỏ tại cộng đồng, hơn 550 người mắc bệnh.

Do đó, nhân viên y tế các xã, phường thường xuyên bám sát cơ sở, phát hiện sớm các ổ dịch nhỏ để tập trung xử lý, không để dịch bùng phát rộng trong cộng đồng.

Phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi là nơi ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết thời gian gần đây. Y sỹ Bùi Vũ Toàn, Trạm Y tế phường Quảng Phú, cho biết việc diệt lăng quăng, bọ gậy và hướng dẫn người dân cách phòng bệnh sốt xuất huyết là việc làm thường xuyên. "Tuy nhiên, khi phát hiện ổ dịch thì chúng tôi phải sát sao hơn, không chỉ hướng dẫn mà còn phải đến từng hộ dân, kiểm tra từng vật dụng chứa nước trong sân vườn để cùng bà con xử lý ngay, không để muỗi có cơ hội sinh sản, phát triển," y sỹ Bùi Vũ Toàn nói.

[Đà Nẵng: Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều ca nặng]

Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang thu dung và điều trị gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa phần đều là bệnh nhân nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.

Theo các y, bác sỹ, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 khi bị sốt là giai đoạn rất nguy hiểm. Các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Nặng hơn sẽ xuất hiện chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

Thạc sỹ, bác sỹ Huỳnh Thị Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, đối với những bệnh nhân nặng, cần chỉ định can thiệp truyền tiểu cầu ngay, nếu không sẽ bị suy đa tạng và tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao gây quá tải cho các bệnh viện, trung tâm Y tế, tạo áp lực cho công tác điều trị. Do vậy, việc sàng lọc, phân loại được các bệnh viện chủ động thực hiện ngay từ phòng khám.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế tỉnh cho biết để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, Sở Y tế tỉnh đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động sàng lọc, phân loại mức độ nặng, nhẹ để điều trị sốt xuất huyết.

Các trung tâm y tế địa phương cũng có thể sử dụng hình thức hội chẩn trực tuyến với bệnh viện tuyến trên để giải quyết tốt các trường hợp chuyển nặng đột ngột, tránh nguy cơ gây tử vong cho người bệnh.

"Dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bởi ý thức phòng bệnh của người dân sẽ góp phần ngăn dịch sốt xuất huyết bùng phát," ông Đức cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục