Robot hóa dẫn đến nguy cơ mất 5 triệu việc làm trong 5 năm tới

Nếu không có hành động khẩn cấp và có mục tiêu ngay từ hôm nay để quản lý quá trình chuyển đổi, các chính phủ sẽ phải đối phó với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.
Robot hóa dẫn đến nguy cơ mất 5 triệu việc làm trong 5 năm tới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: prospectmagazine.co.uk)

Báo cáo Những việc làm Tương lai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố ngày 18/1 cho thấy khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới do kết quả của việc thay đổi phương pháp làm việc.

Cái được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư- liên quan đến việc sử dụng ngày càng nhiều robot, các dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế- được cho là nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa về việc làm.

Báo cáo dự đoán 7,1 triệu việc làm sẽ dư thừa vào năm 2021, chủ yếu là trong các lĩnh vực quản lý và quản trị, đặc biệt là trong ngành y tế.

Mặc dù 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra cho các lập trình viên máy tính và kỹ sư, nhưng điều này vẫn chưa thu hẹp được đáng kể so với những việc làm bị mất.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho rằng nếu không có hành động khẩn cấp và có mục tiêu ngay từ hôm nay để quản lý quá trình chuyển đổi trong ngắn hạn và xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng trong tương lai, các chính phủ sẽ phải đối phó với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cùng với sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng, trong khi các doanh nghiệp đối mặt với cơ sở tiêu dùng bị co lại.

Mặc dù đảm bảo ổn định được thị trường việc làm cho người lao động khá cao so với mặt bằng chung, song thất nghiệp cũng đang được xem như là một mối đe dọa gia tăng ở Thụy Sĩ.

Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia có trụ sở chính của WEF này đã tăng 0,1% trong năm 2015 lên 3,3%, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 3,6% trong năm nay.

Thông báo cắt giảm 1.300 việc làm gần đây tại các nhà máy cũ của Alstom ở Thụy Sĩ đã gióng lên hồi chuông báo động cho các tổ chức công đoàn.

Một báo cáo của Deloitte hồi năm ngoái cũng đã cảnh báo rằng một nửa trong toàn bộ công việc hiện tại ở Thụy Sĩ có thể bị xóa sổ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là Công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho rằng một số việc làm vào các vị trí mới được tạo ra sẽ bù đắp cho những công việc bị mất.

Một nguyên nhân khác gây lo ngại cho vấn đề việc làm ở Thụy Sĩ là việc đồng franc tăng giá (tăng khoảng 10% so với đồng euro sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bỏ trần tỷ giá hối đoái cách đây một năm).

Nhóm vận động cho các kỹ sư điện, các nhà sản xuất các công cụ và máy móc Swissmem mới đây đã cảnh báo về những đợt cắt giảm việc làm trong các công ty thành viên của nhóm trong năm nay.

Chủ tịch Swissmen Hans Hess dự đoán có tới 10.000 việc làm có thể bị mất trong năm 2016 vì chi phí của các công ty Thụy Sĩ cao hơn nhiều so với các đối thủ châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục