Sau niêm yết, Tecombank tăng vốn điều lệ và chia cổ tức với tỷ lệ 1:2

Sau khi tăng vốn điều lệ lên gần 35.000 tỷ đồng, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 1:2 (với mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới).
Sau niêm yết, Tecombank tăng vốn điều lệ và chia cổ tức với tỷ lệ 1:2 ảnh 1Các lãnh đạo Techcombank tại buổi công bế kế hoạch niêm yết. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông báo đã chính thức nhận được quyết định niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu là TCB và phiên giao dịch đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày ngày 4/6.

Giá niêm yết cao nhất trong khối ngân hàng

Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là gần 1,165 triệu cổ phiếu với giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 một số ngân hàng có quy mô và uy tín khác.

Trước đó, hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông của Techcombank đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, với giá trị thị trường của ngân hàng đạt 6,5 tỷ USD.

[Lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng gấp 2 lần năm 2016]

Chia sẻ về thông tin trên, ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: “Năm 2018 đánh dấu một năm đầy sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam khi kinh tế đất nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để Techcombank niêm yết, sau gần 2 năm chuẩn bị để đảm bảo việc niêm yết mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông và phù hợp với các quy định của pháp luật.”

Trả lời câu hỏi về việc giá 128.000 đồng có cao quá hay không, ông Nguyễn Xuân Minh, phụ trách mảng Ngân hàng đầu tư kiêm Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) cho biết, giá đắt hay rẻ không phải do Techcombank quyết định mà do nhu cầu của nhà đầu tư và giá này cũng không phải là quá cao vì sau đó sẽ pha loãng bởi việc chia cổ tức, giá sẽ được điều chỉnh.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh bổ sung thêm, giá cổ phiếu không quan trọng bằng giá trị của ngân hàng, giá trị trên thị trường là bao nhiêu. Nhà đầu tư sẽ đánh giá giá trị của ngân hàng dựa trên khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động…

Ông Minh chia sẻ thêm: “Thị trường Việt Nam đang ở thời điểm chuyển mình quan trọng. Techcombank, với nền tảng công nghệ hiện đại, sự quyết liệt trong định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, và cam kết đầu tư phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, cùng hệ thống quản trị rủi ro và vận hành xuất sắc, đã xác lập vị thế dẫn đầu tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng vị thế đó sẽ ngày càng được khẳng định và củng cố cùng với sự phát triển của nền kinh tế”.

Vốn điều lệ tăng, tỷ lệ chia cổ tức 1:2

Cũng tại sự kiện, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng này đang lên kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 14/6 nhằm trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Mục tiêu của đợt tăng vốn này nhằm chia sẻ cổ tức với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất và lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu quỹ với mức vốn điều lệ mới là 34.970 nghìn tỷ đồng. Cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 1:2 (với mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới).

Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết: “Phương án tăng vốn điều lệ này nhằm mục đích chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn điều lệ để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; đồng thời, giúp Techcombank tiếp tục phát triển ổn định. Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ chia tương ứng. Tổng giá trị ngân hàng không thay đổi. Chúng tôi tin rằng Techcombank đang tiếp tục phát triển đúng hướng theo kế hoạch đã đề ra để đạt được cả mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mình.”

Đây là một tín hiệu rất vui với các cổ đông của ngân hàng này vì đây là ngân hàng được cho là "đặc biệt" khi 7 năm liền cổ đông không được chia cổ tức.

Việc tăng vốn từ hơn 11.500 tỷ đồng hiện nay lên mức gần 35.000 tỷ đồng sẽ hoàn tất sau khoảng 1 tháng kể từ ngày đại hội cổ đông, tức là vào giữa tháng Bảy.

"Sau khi cổ đông thông qua, ngân hàng sẽ trình lên Ngân hàng Nhà nước và dự kiến sẽ xong các thủ tục trong vòng 6 - 8 tuần kể từ ngày lên sàn," ông Quốc Anh cho biết.

Chia sẻ thêm về việc HSBC thoái vốn ảnh hưởng như thế nào tới Techcombank, Tổng giám đốc Techcombank khẳng định việc thoái vốn của HSBC không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ngân hàng này vì ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh hậu HSBC thoái vốn. Đây chỉ là một bước nằm trong chiến lược của HSBC trên toàn cầu. Cùng với đó sau khi HSBC thoái vốn vẫn tiếp tục có các quỹ đầu tư “nhảy” vào Techcombank.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Techcombank đạt 269.392 tỷ đồng. So với các ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch thì Techcombank thuộc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản cao. Techcombank đạt kết quả đột phá về kinh doanh với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 8.036 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân tăng mạnh và đạt 27,7% - cao nhất trong số các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.

Kết quả hoạt động trong các năm vừa qua khẳng định mục tiêu chiến lược và định hướng, cũng như năng lực triển khai của Ngân hàng. Mặc dù không phải là ngân hàng lớn nhất về quy mô, nhưng tới năm 2017, Techcombank dẫn đầu về hiệu quả và sự bền vững trong hoạt động tính theo các chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, hiệu suất chi phí hoạt động, lợi nhuận sau thuế trên bình quân tổng tài sản (“ROAA”) và trên bình quân vốn chủ sở hữu (“ROAE”).

Trong thời gian tới, Techcombank sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các nền tảng cốt lõi mà Ngân hàng đã lựa chọn để tiếp tục triển khai chiến lược 2016 – 2020. Đáng chú ý là ngân hàng sẽ đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng vào các dự án chuyển đổi công nghệ thông tin, để giúp Techcombank tiếp tục là một ngân hàng dẫn đầu về công nghệ như định hướng ngay từ khi thành lập của Techcombank./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục