Sẽ trao thưởng những doanh nghiệp tích cực bảo vệ tầng ozone

“Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ozone và khí hậu của chúng ta” là chủ đề Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone 2018, nhằm kêu gọi các quốc gia loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone.
Sẽ trao thưởng những doanh nghiệp tích cực bảo vệ tầng ozone ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

“Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ozone và khí hậu của chúng ta” là chủ đề Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) năm 2018, nhằm kêu gọi các quốc gia loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm nay, Việt Nam cùng với các bên thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, tại thành phố Hà Nội.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm diễn ra ngày 14/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kết hợp tổ chức Lễ trao giải thưởng cho các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi công nghệ góp phần bảo vệ tầng ozone, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; tọa đàm về tác động kinh tế-xã hội khi Việt Nam phê chuẩn bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC (hydrofluorocarbon).

Nghị định thư Montreal được ký kết hơn 30 năm qua để giải quyết các chất CFC (chlorofluorocarbons) và các chất làm suy giảm tầng ozone khác. Những chất này được sử dụng trong hệ thống lạnh và điều hòa không khí, là tác nhân khiến cho tầng ozone bị suy giảm nghiêm trọng gọi là “lỗ thủng tầng ozone,” khiến cho các tia cực tím nguy hiểm xâm nhập xuống trái đất.

[Liên hợp quốc kêu gọi giới trẻ đấu tranh chống biến đổi khí hậu]

Theo Nghị định thư Montreal, các quốc gia đã cắt giảm việc sản xuất và sử dụng các chất này, là các khí nhà kính và có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu. Kết quả là đến giữa thế kỷ, tầng ozone hiện đang hồi phục sẽ trở lại mức ở những năm 1980. Khoảng hai triệu trường hợp ung thư da có thể được ngăn chặn vào năm 2030.

Nghị định thư Montreal sẽ tiếp tục điều chỉnh các chất làm suy giảm tầng ozone, góp phần vào cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali dự kiến sẽ tránh gia tăng 0,5°C vào cuối thế kỷ, song song với việc tiếp tục bảo vệ tầng ozone.

Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal có mục tiêu giảm sử dụng các chất HFC, chất đang được sử dụng rộng rãi thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone. HFCs cũng là chất khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hiện tại, các quốc gia phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã cam kết cắt giảm sản xuất và tiêu thụ HFCs hơn 80% trong vòng 30 năm tới và thay thế chúng bằng các phương án thay thế thân thiện với môi trường hơn.

Như vậy, Nghị định thư Montreal không chỉ đóng vai trò chủ chốt bảo vệ tầng ozone mà còn góp phần quan trọng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Nghị định thư Montreal được đánh giá là một trong những điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay./.

Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ozone vào năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Đặc biệt là không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 500 tấn Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, cũng như đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC- 141b nguyên chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, qua đó tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC từ ngày 1/1/2015.

Hiện, Việt Nam đang hướng đến ngưng mức tiêu thụ ở mức cơ sở các chất HFC vào năm 2024 và loại trừ 80% tổng lượng các chất HFC vào năm 2045../.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục