Số ca mắc bệnh ở châu Phi tăng 30% trong làn sóng dịch thứ hai

Việc nới lỏng các hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh như điều chỉnh khoảng cách tiếp xúc an toàn và thời gian áp đặt lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng số ca tử vong trong đợt làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Số ca mắc bệnh ở châu Phi tăng 30% trong làn sóng dịch thứ hai ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Khartoum, Sudan ngày 9/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số các ca mắc bệnh COVID-19 tại châu Phi đã tăng 30% khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang hoành hành tại các nước này hồi năm ngoái và các chính phủ có phần lơ là biện pháp phòng ngừa hơn so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Trong một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, các nhà nghiên cứu cho biết việc nới lỏng các hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh như điều chỉnh khoảng cách tiếp xúc an toàn và thời gian áp đặt lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng số ca tử vong trong đợt làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Nghiên cứu đã xem xét các trường hợp mắc bệnh, tử vong và phục hồi sau khi mắc COVID-19 cũng như dữ liệu xét nghiệm được tiến hành tại 55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) từ ngày 14/2 đến tháng 31/12/2020, đồng thời phân tích về các biện pháp phòng dịch như đóng cửa các trường học và hạn chế đi lại dựa trên những dữ liệu công khai.

[Châu Phi “đau đầu” trước vấn nạn vaccine ngừa COVID-19 giả]

Ở thời điểm cuối năm 2020, châu Phi đã ghi nhận gần 2,8 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 3% tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu) và chỉ có hơn 65.000 ca tử vong. Trong làn sóng dịch đầu tiên, số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày của châu lục này ở mức trung bình là 18.273 ca. Trong đợt bùng phát thứ hai, con số này là 27.790 ca/ngày (tăng 30% so với đợt đầu).

Trong số 38 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, các nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 50% các biện pháp hạn chế được áp dụng so với trong đợt bùng phát dịch đầu tiên.

Chuyên gia Justin Maeda thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết: "Bản phân tích toàn diện đầu tiên về đại dịch ở châu Phi đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu hơn về tác động của dịch COVID-19 đối với toàn bộ lục địa. Hiểu rõ hơn về những thách thức đặt ra ở cấp quốc gia, khu vực và lục địa là điều cần thiết để triển khai những nỗ lực liên tục, nhằm giải quyết các đợt bùng phát hiện tại và những đợt lây nhiễm trong tương lai."

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều khả năng các biến thể mới đã khiến số các trường hợp mắc COVID-19 gia tăng đột biến trong làn sóng thứ hai của dịch bệnh tại lục địa này.

Tính theo tỷ lệ dân số, Cape Verde là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất châu Phi, theo đó tỷ lệ là 1.973 bệnh nhân/100.000 người dân, tiếp đến là Nam Phi (tỷ lệ 1.819/100.000 người) và Libya (1. 526/100.000 người).

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại châu Phi không cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.

Giám đốc CDC châu Phi - ông John Nkengasong nêu rõ nghiên cứu trên đã cho thấy "nhu cầu cấp thiết phải tăng cường năng lực xét nghiệm và khôi phục các chiến dịch y tế cộng đồng" tại lục địa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục