Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng

Đến nay, đã có 63 bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng.
Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 1Phục hồi chức năng cho người bệnh với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo tổng điều tra dân số gần đây nhất, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm 7-10% dân số). Theo báo cáo của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm với chất độc hóa học, hơn 3 triệu nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.

Đặc biệt, số người khuyết tật có xu hướng ngày một tăng cao do hậu quả của chiến tranh còn rất nặng nề, do sự già hóa dân số, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và do mắc các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng cao… Chính vì vậy, người khuyết tật rất cần được chăm sóc về phục hồi chức năng để phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng.

[Gia tăng trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Phó giáo sư Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam đã phân tích như vậy khi phát biểu tại Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng, do Hội phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Công ty Cổ phần thương mại Dược Hà Nội, Công ty TNHH tư vấn, thương mại và dịch vụ Transmed tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.

Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 2Hội nghị với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành phục hồi chức năng trên thế giới, công tác phục hồi chức năng tại Việt nam cũng ngày càng phát triển.

Đến nay, đã có 63 bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng; 50% bệnh viện chuyên khoa có khoa phục hồi chức năng. Đặc biệt, ngành y tế đã thành lập hệ thống khoa phục hồi chức năng-Y học cổ truyền tại các trung tâm y tế tuyến huyện; tuyến xã đã có 90% số xã bố trí cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng tại xã để cung cấp được các dịch vụ này ngay tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được quan tâm, đầu tư và triển khai ở nhiều địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt. Chương trình giúp người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Mặt khác, tiến sỹ Norbert Moos, chuyên gia y học thể thao, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Saint Josef, Bonn (Đức) chia sẻ, vấn đề về đột quỵ không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam cùng chung một xu thế dân số già đi, việc điều trị tốt lên tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ và di chứng của đột quỵ sẽ gia tăng.

“Trong công tác điều trị bệnh đột quỵ hiện nay quan trọng nhất là vai trò của sự phối hợp giữa các chuyên ngành như phục hồi chức năng, tim mạch, thần kinh, phẫu thuật. Ở Việt Nam tôi thấy đã có nhiều tiến bộ trong công tác phục hồi chức năng nhưng để có công tác điều trị toàn diện chúng ta phải có sự phối hợp tốt giữa các chuyên ngành để can thiệp sớm trong điều trị cho bệnh nhân để phòng và hạn chế những biến chứng cho bệnh nhân về sau,” tiến sỹ Norbert Moos chỉ rõ.

Giáo sư Cao Minh Châu - Tổng thư ký Hội phục hồi chức năng Việt Nam, phân tích về phục hồi chức năng sau đột quỵ:

Giáo sư Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội phục hồi chức năng Việt Nam phân tích, bệnh đột quỵ não để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể, khả năng nhận thức, rối loạn ngôn ngữ.

Để phục hồi sau đột quỵ, giáo sư Châu cho hay, bệnh nhân cần được chăm sóc, chú trọng vào việc phục hồi tế bào não bị tổn thương, khả năng phản xạ, kết nối các tế bào thần kinh. Phương pháp hiện nay đang được sử dụng phổ biến và hiệu quả là sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại và các thuốc, sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe trí não./.

Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng tập trung đi sâu vào các giải pháp phục hồi sau khi bị đột quỵ, chấn thương não bộ.

Hội nghị với 8 chuyên đề/16 chuyên đề về phục hồi liên quan đến não bộ, được chia sẻ bởi hai chuyên gia quốc về về phục hồi chức năng là tiến sĩ Norbert Moos - Chuyên gia y học thể thao, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Saint Josef, Bonn (Đức) và chuyên gia Soon Yong Kwon đến từ Bệnh viện Bobath Memorial (Hàn Quốc) và các bác sỹ chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện lớn trong nước.

Bên lề hội nghị cũng diễn ra triển lãm trưng bày các sản phẩm về khoa học công nghệ và giải pháp trong công tác phục hồi chức năng.

Một số hình ảnh tại hội nghị và triển lãm:

Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 3Tiến sĩ Norbert Moos chia sẻ về công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 4Các sản phẩm công nghệ mới nhất được trưng bày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 5Tham quan các gian hàng tại triển lãm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 6Video hướng dẫn chăm sóc người bệnh, người nhà sau đột quỵ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Số người cần chăm sóc phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng ảnh 7Trao đổi, chia sẻ các thông tin tại triển lãm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục