“Toàn tỉnh Thái Bình không có trẻ nào đi học trong độ tuổi từ 3 đến 6 tháng. Đây là thời kỳ mẹ vẫn được nghỉ thai sản. Vậy việc đưa chương trình giáo dục cho trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi vào giáo dục mầm non là không hợp lý,” bà Phí Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, nói.
Đây là một trong những vấn đề cần sửa đổi được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 7/9.
Theo bà Thắm, trẻ trong độ tuổi này, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, là nên bú sữa mẹ hoàn toàn. Vì thế, nếu đặt việc nhà trường phải kiểm soát được chế độ dinh dưỡng của trẻ với hàm lượng bao nhiêu chất béo, năng lượng calo… bao nhiêu một ngày là rất khiên cưỡng.
“Vì thế, quy định về độ tuổi nhận trẻ cần điều chỉnh để hợp lý hơn. Đã điều chỉnh độ tuổi thì chương trình, điều lệ trường mầm non cũng phải điều chỉnh,” bà Thắm kiến nghị.
Cũng theo bà Thắm, việc trong Điều lệ trường mầm non và chương trình giáo dục mầm non vẫn để độ tuổi nhận trẻ từ 3 tháng sẽ gây khó cho các trường nếu có phụ huynh nào đó đưa con, cháu đến gửi.
Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trên thực tế, gần như không có trường hợp nào gửi trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi.
Nhu cầu gửi trẻ thường bắt đầu ở độ tuổi lớn hơn, từ 7 tháng trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay ở độ tuổi này cũng gần như không có trường mầm non nào đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi dưới 12 tháng của phụ huynh.
Trước những băn khoăn của các đại biểu, bà Nguyễn Minh Huyền, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Mầm non cho biết: “Hiện chế độ thai sản là 6 tháng nên năm ngoái, khi sửa đổi Điều lệ trường mầm non, ban soạn thảo cũng có ý định sửa độ tuổi nhận trẻ, nhưng điều này còn phụ thuộc vào Luật Giáo dục. Trong Luật Giáo dục quy định trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng nên các văn bản dưới luật không thay đổi được.”
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh nói: “Luật Giáo dục phải sau năm 2018 mới sửa và phải sửa Luật Giáo dục trước, sau đó mới sửa được Điều lệ trường mầm non, sửa được chương trình.”
Bên cạnh vấn đề về độ tuổi của trẻ, các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung khác dự thảo đổi mới chương trình giáo dục mầm non như khung thời gian cho các hoạt động, nội dung giáo dục. Dự thảo cũng điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng của trẻ dựa theo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 của Bộ Y tế./.