Tâm sự của phóng viên Nhật muốn ra Hoàng Sa ủng hộ Việt Nam

Murayama Yasufumi, một phóng viên ảnh người Nhật đã có ý định và tiến hành liên hệ để được đặt chân lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam dù chỉ một lần trong đời.
Tâm sự của phóng viên Nhật muốn ra Hoàng Sa ủng hộ Việt Nam ảnh 1Murayama trò chuyện với phóng viên Vietnam+ trong một dịp đến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lưu Đạt/Vietnam+)
Hơn một năm trước khi Trung Quốc tiến hành đặt dàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng biển Việt Nam, Murayama Yasufumi, một phóng viên ảnh người Nhật đã có ý định và tiến hành liên hệ để được đặt chân lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dù chỉ một lần trong đời.
Ngay lúc này, khi tình hình trên biển Đông trở nên căng thẳng hơn, phóng viên ảnh đã đến Việt Nam để chụp ảnh về những nạn nhân của chiến tranh vẫn không từ bỏ ước muốn được đến Trường Sa.
Để thực hiện được ước muốn của mình, Murayama Yasufumi đã liên hệ Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài và làm đơn xin lên chính phủ Việt Nam. 
“Nhật Bản cũng có tranh chấp biển đảo rất gay gắt với Trung Quốc, nên tôi cảm thấy đồng cảm và muốn làm gì đó để thể hiện sự ủng hộ của tôi đối với Việt Nam. Tôi có ý định đến Trường Sa cách đây hơn một năm rồi,” anh cho biết.
Trước câu hỏi vì sao anh lại muốn thăm Trường Sa chụp ảnh và làm triển lãm mà không đến Senkaku ở Nhật, anh trả lời rằng rất nhiều cơ quan truyền thông ở Nhật đã đưa tin Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) rồi nhưng thông tin về Trường Sa thì hầu như ở Nhật ít người biết, còn về tình hình biển Đông của Việt Nam thì không phải người Nhật nào cũng biết.
Thêm vào đó, anh cho rằng với thái độ khách quan của bên thứ ba, thông tin và hình ảnh anh ghi nhận được chắc chắn sẽ mang tính khách quan và được tin tưởng hơn.
“Việc đầu tiên khi đến Trường Sa, tôi sẽ chụp hình vùng đất ấy. Tôi không phải là nhà nghiên cứu, cũng không có dự định điều tra về tài nguyên hay địa lý ở đó. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử, tôi nghĩ Trường Sa thuộc về Việt Nam.”
Murayama, 46 tuổi, đã chụp rất nhiều hình ảnh về đất nước và con người trên khắp đất nước Việt Nam.
Tâm sự của phóng viên Nhật muốn ra Hoàng Sa ủng hộ Việt Nam ảnh 2Murayama Yasufumi trò chuyện với chị Đỗ Thùy Dương, nạn nhân chất độc da cam.

Chỉ riêng Trường Sa, anh chưa có dịp nào đến thăm. Anh nghĩ nếu đến được Trường Sa thì anh mới chính thức trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên về Việt Nam thực thụ. Anh cho biết thêm anh cũng có ý định đến quần đảo Hoàng Sa để chụp ảnh.

“Tôi nghĩ tôi là một người Việt Nam thật sự. Nhật Bản cũng đang ở trong tình huống tương tự như Việt Nam, nên tôi muốn làm điều gì đó. Tôi nghĩ Việt Nam và Nhật Bản phải chung sức với nhau.”
Anh chia sẻ với phóng viên Vietnam+ anh biết rằng để được đến Trường Sa là một việc vô cùng khó khăn nhưng anh sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình.
Khi biết thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trên vùng biển của Việt Nam, anh cho rằng Trung Quốc đã có những hành vi khó chấp nhận được. Việc ngang nhiên lấy đồ của người khác làm của mình là "hành vi của kẻ cắp."
“Người Nhật Bản hiện nay thật tiếc là không có mấy quan tâm đến vấn đề này. Liên quan đến vấn đề Senkaku cũng vậy, lẽ ra cần phải quan tâm hơn nữa. Người Nhật dù có kiên định trong chủ trương đối với Trung Quốc, nhưng họ vẫn hầu như không lên tiếng nhiều. Tôi thấy điều này thật đáng tiếc.”
Hiện tại, anh rất muốn được lên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra vùng biển Hoàng Sa để cùng với phóng viên Việt Nam và các phóng viên quốc tế khác để chụp ảnh và đưa tin cho người Nhật và cộng đồng quốc tế biết hành động sai trái của Trung Quốc.
Anh Murayama tự nhận mình không phải là một người giàu có. Sau những chuyến đi đến Việt Nam, anh trở về Nhật làm việc cật lực dành dụm tiền cho những chuyến đi tiếp theo đến đất nước mình yêu mến này.
Mỗi năm, anh thực hiện hai hoặc ba chuyến đi đến Việt Nam để gặp lại những người Việt mà anh đã quen được trong mười mấy năm qua.
Sau một chuyến công tác đến Việt Nam với nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Nhật Bunyo Ishikawa năm 1998, anh ấn tượng sâu sắc bởi những hình ảnh về con người Việt Nam, những nạn nhân của chiến tranh. Kể từ đó đến nay, anh đã đến Việt Nam để chụp ảnh được 36 lần.
Lúc đó, anh chàng Murayama (khi đó mới 30 tuổi) có một sự đồng cảm sâu sắc với người Việt Nam, và nguyện sẽ chụp ảnh về đất nước và con người Việt Nam cho đến khi nào anh còn sống.
Anh được sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha của anh nghiện ngập và bỏ gia đình đi. Sau đó cha anh tự vẫn.
Trải qua thời thơ ấu buồn khổ, nên khi trực tiếp tiếp xúc và cảm nhận từ trên nét mặt của những con người Việt Nam đã vượt qua chiến tranh, vượt qua số phận, không biết lùi bước như thế nào, khiến anh vừa yêu vừa cảm phục đất nước và con người Việt Nam./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục