Chiều 7/9, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển du lịch và khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị các đơn vị trên tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ lữ hành, vận chuyển du lịch, khu, điểm du lịch và các hoạt động dịch vụ du lịch khác cho đến khi có thông báo mới.
Sở đề nghị giám đốc các doanh nghiệp tiếp tục quán triệt đến đội ngũ nhân viên, người lao động tự giác chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, khi giao tiếp, tại nơi làm việc; tích cực tham gia khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia tích cực, có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng và cộng đồng.
Giám đốc, chủ các đơn vị thường xuyên tham khảo thông tin từ website Bộ Y tế, Sở Y tế Đà Nẵng và các trang thông tin chính thống của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác định đối tượng khách, chủ động trong công tác tổ chức đón và phục vụ khách chu đáo, giữ gìn thương hiệu hình ảnh "Điểm đến thân thiện mến khách"; nghiêm cấm các hành vi phân biệt khách; công khai niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19; yêu cầu nhân viên tại đơn vị không lan truyền thông tin từ các nguồn không chính thống gây hoang mang, nhiễu loạn thông tin.
Các cơ sở lưu trú phổ biến các số điện thoại đường dây nóng của Sở để kịp thời hỗ trợ du khách, cũng như phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện cho Trung tâm hỗ trợ du khách (0236.3550111), Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (0236.3863499), Tổ phản ứng nhanh du lịch (0919.247.009).
Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nới lỏng nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVD-19; trong đó, có khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người rời khỏi Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Những trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc ca bệnh xác định; từng đến các bệnh viện có ca nhiễm; sống ở tổ, thôn, ấp đang có ca mắc bệnh bắt buộc phải khai báo tại trạm y tế để được điều tra dịch tễ chi tiết.
[Thành phố Hồ Chí Minh cho phép mở lại quán bar, vũ trường]
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 7/9, Thành phố Hồ Chí Minh có 77 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 72 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, 5 bệnh nhân còn lại đang được cách ly điều trị.
Thành phố tiếp tục tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với các nhân viên, người phục vụ tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các chợ đầu mối. Tính đến chiều 7/9 đã lấy 382 mẫu xét nghiệm tại 4 trung tâm bảo trợ xã hội, trong đó có 139 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính, 243 mẫu đang chờ kết quả.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng lên phương án chuẩn bị triển khai thu phí cách ly đối với người nhập cảnh; đồng thời thực hiện cách ly người tiếp xúc với ca bệnh, người nhập cảnh theo quy định.
Ngày 7/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản về việc hướng dẫn theo dõi sức khỏe, giám sát chặt chẽ đối với người đến hoặc trở về từ thành phố Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố chỉ đạo ban ngành đoàn thể, cơ quan y tế địa phương hướng dẫn và giám sát người đến hoặc trở về từ thành phố Đà Nẵng thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú 14 ngày.
Trường hợp phát hiện có bất kỳ triệu chứng liên quan đến COVID-19 như sốt, ho, khó thở, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn và tiêu chảy phải liên hệ ngay với các cơ quan y tế để được khám và xét nghiệm kịp thời.
Ngày 7/9, Tỉnh Đoàn Quảng Bình phối hợp với Viettel Quảng Bình tổ chức lễ phát động cài đặt ứng dụng Bluezone - chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 nhằm kêu gọi toàn dân chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, giảm nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chương trình được triển khai từ 7/9 đến hết 5/10/2020 tại 151 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Bình.
Tính đến ngày 17/8, tỉnh Quảng Bình có 100.674 người dùng Bluezone, chiếm 11,24% dân số. Để đạt được mục tiêu “phủ sóng” cài đặt ứng dụng này, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng yêu cầu các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đoàn viên, thanh niên và người dân nhanh chóng tiếp cận và cài đặt ứng dụng có hiệu quả; phối hợp với Viettel Quảng Bình lên phương án thành lập các đội hình tình nguyện, xây dựng các điểm hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone tại các xã, phường, thị trấn và lựa chọn các điểm tập trung đông người để nâng cao hiệu quả việc cài đặt.
Ngay sau lễ phát động, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Viettel Quảng Bình đã ra quân tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone tại thành phố Đồng Hới và tiếp tục triển khai trên khắp địa bàn tỉnh./.