Thái Lan và sự hồi sinh của nền chính trị tiền bạc trong năm 2020

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nói rằng: "Đừng có chán ghét tôi, tôi sẽ nắm quyền trong một thời gian khá dài.” Ông tin rằng chính phủ dân sự, thân quân đội có thể hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm.
Thái Lan và sự hồi sinh của nền chính trị tiền bạc trong năm 2020 ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Kyodo đưa tin Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tự tin rằng một chính phủ dân sự, thân quân đội mà ông thành lập giữa năm 2019 sau 5 năm cầm quyền của chế độ quân sự có thể hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm.

Nhưng vị cựu chỉ huy quân đội và lãnh đạo cuộc đảo chính phải đối mặt với nhiều chính trị gia dày dặn kinh nghiệm từ 19 đảng thành lập chính phủ liên minh, đồng thời xử lý tình hình bất ổn chính trị liên quan đến đảng đối lập lớn thứ hai của đất nước trong bối cảnh đảng này có nguy cơ bị giải thể theo lệnh của tòa án.

[Thái Lan: Đảng Tương lai mới đối lập sẽ kiện Ủy ban Bầu cử]

Trong cuộc tổng tuyển cử, vốn bị trì hoãn từ lâu hôm 24/3/2019, được tổ chức để khôi phục chính phủ dân sự, đảng Palang Pracharath, chọn ông Prayut làm ứng viên thủ tướng, về thứ hai với 116 ghế nhưng vẫn thành lập được chính phủ liên minh gồm 18 đảng nhỏ.

Đảng Pheu Thai, giành được nhiều ghế nhất (136 ghế) nhưng không thể thành lập chính phủ bởi những quy định bầu cử do chính quyền quân sự soạn thảo trước đó vốn ủng hộ các đảng cỡ vừa, đã dẫn đầu phe đối lập với 6 đảng khác, bao gồm cả đảng đối lập lớn thứ hai “Tương lai Tiến Bước” do nhà tài phiệt chuyển hướng sang làm chính trị Thanathorn Jungroongruangkit lãnh đạo.

Có được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội và với sự giúp đỡ của các thượng nghị sỹ do chính quyền quân sự chỉ định phục vụ trong 5 năm, ông Prayut đang tìm cách kéo dài sự nắm quyền của mình lâu hơn nhiệm kỳ hiện nay, tức là sau năm 2023.

Thủ tướng Prayut nói: “Đừng có chán ghét tôi, tôi sẽ nắm quyền trong một thời gian khá dài.”

Toàn bộ 250 thượng nghị sỹ của đất nước được bổ nhiệm theo Hiến pháp năm 2017 đã bỏ phiếu cùng với 500 hạ nghị sỹ để bầu chọn thủ tướng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức chính mà ông Prayut phải đối mặt là “lợi thế mong manh” của liên minh cầm quyền trước đảng đối lập trong Hạ viện. Sự mong manh này có nghĩa chính phủ sẽ gặp khó khăn khi cố gắng thông qua luật, bao gồm cả ngân sách.

Ông Termsak Chalermpalanupap, một học giả của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, đã dự báo sự hồi sinh của nền chính trị tiền bạc, trong đó đồng tiền có thể “mua chuộc” những thành viên đối lập khi chính phủ cố gắng hợp pháp hóa các luật hoặc chương trình nghị sự quan trọng.

Ông Termsak nói: “Cảnh tượng vận động hành lang để lôi kéo các nghị sỹ của cả hai bên trong Hạ viện sẽ trở nên náo nhiệt... Chính sách tiền tệ ‘tàn khốc, kiểu cũ’ có khả năng quay trở lại và kìm hãm sự phát triển chính trị ở Thái Lan.”

Một số nhà quan sát cho rằng ông Prayut hiện nay thực sự không có vấn đề gì về “lợi thế mong manh” vì các đảng liên minh đã giành được nhiều ghế hơn trong các cuộc bầu cử bổ sung kể từ cuộc tổng tuyển cử.

Bà Nattaya Chetchotiros, biên tập viên tin tức phụ trách về chính trị của tờ Bangkok Post, nói: “Thách thức chính trị đối với chính phủ là phải kiểm soát tốt các đảng trong liên minh cầm quyền… việc mặc cả về lợi ích và vị thế của họ vẫn đang diễn ra."

Chính phủ cũng đối mặt với các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống chính phủ, đáng chú ý là cuộc biểu tình do đảng “Tương lai Tiến Bước” của ông Thanathorn tổ chức hồi giữa tháng 12 vừa qua.

Đảng này hiện đối mặt với khả năng nhận lệnh giải thể của Tòa án Hiến pháp.

Tháng 11 vừa qua, ông Thanathorn đã mất ghế trong Quốc hội vì nắm giữ cổ phần trong một tổ chức truyền thông trong chiến dịch tranh cử, đây là một hành vi vi phạm luật bầu cử.

Đảng ủng hộ dân chủ của doanh nhân này cũng có nguy cơ bị giải thể vì liên quan đến số tiền ông cho đảng này vay trong chiến dịch tranh cử, động thái bị coi là vi phạm luật bầu cử.

Ngoài ra, đảng này cũng đối mặt với cáo buộc chống lại chế độ quân chủ lập hiến, vì thế nó có thể bị giải thể.

Nếu đảng “Tương lai Tiến Bước” bị giải thể, 79 nghị sỹ của đảng này trong Hạ viện có nguy cơ mất ghế nếu họ không tìm được một đảng phái nào để gia nhập trong vòng 60 ngày.

Ông Thanathorn đã bất ngờ tổ chức một biểu tình chính trị tại Bangkok hôm 14/12 để kêu gọi những người ủng hộ phản đối sự bất công đối với đảng “Tương lai Tiến Bước” và đối với chính ông bởi chính phủ thân quân đội. Vài nghìn người đã có mặt trong cuộc biểu tình này.

Bất chấp các cuộc biểu tình non nớt chống chính phủ, bà Nattaya nhận định các cuộc biểu tình giống như ở Hong Kong sẽ không diễn ra ở Thái Lan.

Theo bà, ngay cả khi những người biểu tình xuống đường, họ sẽ làm vậy chỉ để thể hiện sự không hài lòng với chính phủ, chứ không phải là phản đối.

Bà nói: “Một số người mong đợi các cuộc biểu tình sẽ xấu đi giống như ở Hong Kong, nhưng tôi không nghĩ vậy... Các cuộc biểu tình kéo dài đòi hỏi kinh phí và nhiều người hơn. Những cuộc biểu tình giống như hôm ông Thanathorn tổ chức sẽ không đe dọa chính phủ ngay cả khi đảng ‘Tương lai Tiến Bước’ bị giải thể."

Ông Yutthaporn Issarachai, một nhà khoa học chính trị của Đại học Mở Sukhothai Thammathirat, dự đoán rằng chỉ có tình huống người dân đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng thì mới có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiện hữu cho chính phủ trong 4 năm tới.

Vị học giả này đề xuất chính phủ nên thực hiện các biện pháp giúp nâng cao đời sống của người dân và hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Yutthaporn, nếu được thực thi hiệu quả, những biện pháp kinh tế như vậy sẽ giúp chính phủ vận hành trơn tru và duy trì quyền lực chừng nào họ còn muốn.

Liên quan đến các nhóm chống chính phủ, bao gồm nhóm ủng hộ ông Thanathorn, ông Yutthaporn cho rằng họ thiếu tiềm năng để lật đổ chính phủ. Những nhóm như vậy thường không được tổ chức tốt và thiếu các mục tiêu chính trị rõ ràng.

Ông nói: “Tôi tin rằng nhiều người Thái Lan muốn duy trì hòa bình và để Quốc hội giải quyết các vấn đề chính trị."

Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan đều muốn ổn định chính trị và kêu gọi tất cả các bên duy trì hòa bình, tránh tổ chức các cuộc biểu tình chính trị.

Họ lo ngại những xáo trộn chính trị sẽ quay trở lại Thái Lan, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước và làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch.

Ông Supant Mong-kolsuthree, Chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp Thái Lan, nói: “Chúng tôi muốn tình hình chính trị ổn định... Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng. Bất kỳ hành động chính trị nào nên được thực hiện ở Quốc hội. Tôi hy vọng chính phủ có thể kiểm soát tình hình."

Theo một báo cáo đánh giá triển vọng của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố hồi tháng 9, nền kinh tế Thái Lan dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2020, cao hơn 0,2% so với năm 2019 (3%). Năm 2018, tăng trưởng của nền kinh tế nước này là 4,1%.

Ông Thanavath Phonvichai, Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế và kinh doanh, cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ được dự kiến là do chi tiêu và tiêu dùng nhiều hơn, xuất khẩu lớn hơn và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giảm.

Còn theo ông Wichayayuth Boonchit, Phó tổng thư ký Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, nền kinh tế Thái Lan sẽ nhìn thấy động lực từ các yếu tố như ngành du lịch phục hồi và một gói kích thích của chính phủ nhằm đầu tư nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn ở khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu băn khoăn về căng thẳng chính trị gia tăng ở Thái Lan có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Họ kêu gọi chính phủ đảm bảo sự ổn định chính trị và tỷ giá hối đoái, trong khi tiếp tục giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí vốn có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục