Thanh Hóa giải quyết việc làm cho lao động từ vùng dịch về địa phương

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu ở lại địa phương sau khi thực hiện xong cách ly y tế.
Thanh Hóa giải quyết việc làm cho lao động từ vùng dịch về địa phương ảnh 1Người lao động làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 16.500 lao động từ các tỉnh có dịch trở về địa phương.

Trong số đó, có trên 15.000 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam; gần 1.500 lao động trở về từ các tỉnh phía Bắc.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu ở lại địa phương sau khi thực hiện xong cách ly y tế.

Công ty cổ phần bao bì Đại Dương (trụ sở tại Khu Kinh tế Nghi Sơn-Thanh Hóa) thành lập từ năm 2018, hiện tạo việc làm cho hơn 800 lao động tại Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Từ ngày 19/6 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát, công ty rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, do gần 100 công nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện giãn cách không ra khỏi địa bàn.

[Ưu tiên đón phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ từ vùng dịch về quê]

Để đáp ứng đủ sản lượng các đơn hàng, công nhân công ty phải tăng ca ít nhất một giờ/ngày. Công ty đang lên phương án tuyển dụng khoảng 300 lao động để đảm bảo nguồn nhân lực khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Ông Hoàng Đức Chung, Phó trưởng Phòng Tổ chức, Công ty cổ phần bao bì Đại Dương, cho biết công ty đã tính đến phương án sẽ tuyển dụng lao động trở về từ vùng dịch để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Hầu hết lao động trở về có thời gian làm ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn nên đã có tác phong công nghiệp và tay nghề cơ bản, do vậy sẽ rút ngắn được khâu đào tạo nghề khi vào làm việc tại doanh nghiệp.

"Với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, thời gian tới sẽ có nhiều lao động chọn phương án ở lại quê hương để làm việc. Công ty sẽ tạo điều kiện tuyển dụng đối với người lao động từ vùng dịch trở về. Qua đó, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và ổn định xã hội,” ông Chung cho biết thêm.

Theo ông Hoàng Tất Thành, Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là khoảng 20.000 người.  Khu Kinh tế Nghi Sơn có nhu cầu tuyển gần 5.000 lao động; Khu công nghiệp Đình Hương-Tây Bắc Ga, Hoàng Long, Lễ Môn có nhu cầu tuyển trên 10.500 lao động; Khu công nghiệp Bỉm Sơn có nhu cầu tuyển gần 770 lao động; các cụm công nghiệp cần tuyển gần 4.000 lao động.

Một số doanh nghiệp da giày, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, nhất là doanh nghiệp da giày thuộc Tập đoàn Hong Fu và các doanh nghiệp may mặc, như: Công ty trách nhiệm hữu hạn ROLLSPORT 1 Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giày Aleron Hoàng Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn giày ROLLSPORT 2 Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TCE JEAN, Công ty trách nhiệm hữu hạn giày SUNJADE…

Phòng đang khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của đơn vị. Qua đó, vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu làm việc tại tỉnh…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã hoàn thành xong phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.

Ngành đang tăng cường công tác tuyên truyền về các chương trình học nghề, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn cho bản thân công việc phù hợp.

Ngành phối hợp với các địa phương nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch, nhu cầu quay trở lại nơi làm việc ở tỉnh ngoài của người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát...

Ngành chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động cho người lao động trở về từ vùng dịch…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động trở về từ vùng dịch; xây dựng phương án, tạo điều kiện cho lao động trở về từ vùng dịch được học nghề, tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh...

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly y tế sẽ được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.

Thời gian tới, ngành sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu 100% người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nguyện vọng làm việc tại quê hương được học nghề, giải quyết việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục