The Economist: Triển vọng kinh tế của Anh rất ảm đạm

Trong 4 năm rưỡi sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), các công ty của Anh lo lắng về tác động của nước Anh ra khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Cảnh vắng lặng và ảm đạm tại một điểm du lịch ở Chester, Anh do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng lặng và ảm đạm tại một điểm du lịch ở Chester, Anh do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong 4 năm rưỡi sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), các công ty của Anh lo lắng về tác động của nước Anh ra khỏi EU (còn gọi là Brexit).

Nhưng quá trình chuyển tiếp, kết thúc vào ngày 31/12/2020, đã kết thúc với một tác động không mạnh. Các hàng xe tải chờ đợi tại Dover đã không thành hiện thực như nhiều dự báo trước đó. Những người mua sắm trong siêu thị không bị thiếu rau xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang lo lắng với những khó khăn khác.

Lần phong tỏa thứ ba của Anh bắt đầu từ ngày 6/1 vừa qua. Các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và phần lớn lĩnh vực khách sạn một lần nữa bị đóng cửa. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm nhẹ tác động.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã công bố gói tài trợ bổ sung trị giá 4,6 tỷ bảng (khoảng 6,2 tỷ USD), tương đương khoảng 0,2% GDP trước khủng hoảng, cho các công ty khi bắt đầu thực hiện việc phong tỏa và  gửi đi tín hiệu rằng sẽ có thêm sự hỗ trợ trong năm tài khóa mới bắt đầu từ đầu tháng Ba tới.

Kế hoạch duy trì việc làm, theo đó nhà nước hỗ trợ trả tới 80% tiền lương của những lao động phải nghỉ làm, đã được gia hạn cho đến cuối tháng Tư và Bộ Tài chính không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục gia hạn thêm. Với việc nhiều công ty đã thích ứng tốt hơn với hình thức làm việc tại nhà, có nhiều nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ trực tuyến hơn và nhiều nhà hàng xử lý tốt hơn việc mua mang về nhà, GDP sẽ không giảm mạnh như hồi tháng 4/2020.

Tuy nhiên, triển vọng trước mắt vẫn khá ảm đạm. Các trường học bị đóng cửa như lần phong tỏa lần đầu tiên nên nhiều phụ huynh không thể đi làm.

Ông Samuel Tombs, công ty tư vấn Kinh tế vĩ mô Pantheon, ước tính rằng tác động của lần phong tỏa thứ ba này sẽ gần bằng tác động của lần thứ nhất hơn là lần thứ hai.

Mặc dù cho đến nay, việc COVID-19 tái bùng phát đã làm lu mờ những ảnh hưởng của Brexit, nhưng Brexit đang gây ra một số khó khăn. Sự phức tạp của các quy định thuế VAT mới đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu dừng toàn bộ việc chuyến hàng đến Anh. Dutch Bike Bits, một nhà bán lẻ trực tuyến phụ tùng xe đạp, đã mô tả các quy định mới của Anh là "lố bịch" và đã tạm dừng bán hàng đến Anh từ tháng 12/2020.

[Kinh tế Anh giảm 2,6% khi tiến hành phong tỏa lần hai vì COVID-19]

Giao thông diễn ra suôn sẻ trên tuyến đường quan trọng Dover-Calais trong tuần đầu tiên áp dụng các quy định mới, nhưng có thể là việc tích trữ hàng trước khi các quy định này được áp dụng đã hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Chính phủ đã cảnh báo các công ty vận tải rằng sự đình trệ có thể xảy ra khi khối lượng tăng lên và việc thực thi các quy định mới chặt chẽ hơn.

Sự gián đoạn đã rõ ràng hơn ở Bắc Ireland. Để tránh đường biên giới cứng trên đảo Ireland, Anh và EU đã nhất trí có một đường biên giới nội bộ mới tại Vương quốc Anh, giữa Đảo Anh và Bắc Ireland.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lo ngại rằng các nhà nhập khẩu chưa hiểu biết đầy đủ cách thức hoạt động của hệ thống này. Sự phức tạp của thủ tục hải quan đã khiến một số doanh nghiệp từ bỏ kinh doanh hoặc thu hẹp số lượng sản phẩm. Công ty bán lẻ Marks&Spencer đã tạm thời loại bỏ hàng trăm sản phẩm tại 21 cửa hàng ở Bắc Ireland, từ bia BrewDog đến túi đựng rác.

Nhưng tác động thực sự của Brexit đối với nền kinh tế Anh có thể diễn ra âm ỉ hơn là tức thời. Với việc đạt được một thỏa thuận thương mại vào phút cuối, Anh và EU tránh được sự gián đoạn trong ngắn hạn, nhưng các nhà kinh tế lo ngại nhiều hơn về sự quay lại của "căn bệnh của Anh" những năm sau chiến tranh.

Do đó Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán rằng, trong 10 năm, nền kinh tế Anh sau Brexit sẽ thấp hơn 3-4% so với nếu vẫn ở trong thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu.

Trong ba thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền kinh tế của Anh suy giảm so với các nước láng giềng châu Âu. Đó không chỉ là do Đức và Pháp có nhiều việc phải làm hơn để tái thiết sau chiến tranh, nhưng đến những năm 1960, họ bắt đầu vượt lên dẫn trước. Nước Anh vào thời điểm đó được gọi là "căn bệnh của nước Anh" (The British disease) với quan hệ công nghiệp đối đầu, quản lý kém, năng suất và đầu tư thấp.

Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thường được cho là người đã làm thay đổi quỹ đạo của nước Anh, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC - nay là EU) vào năm 1973 cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Nauro Campos và Fabrizio Coricelli thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế, một mạng lưới các nhà kinh tế, chỉ ra mô hình tăng trưởng năng suất tương tự giữa ba quốc gia gia nhập EEC năm 1973 là Anh, Đan Mạch và Ireland.

Ông Campos cho rằng việc Anh tham gia thị trường chung đã tạo ra các điều kiện cho chủ nghĩa Thatcher phát triển bằng cách cho phép các doanh nhân Anh tiếp cận với một thị trường lớn hơn, sâu hơn và sáng tạo hơn những gì họ từng nghĩ trước đây.

Nicholas Crafts, một nhà sử học hàng đầu về nền kinh tế Anh, lập luận rằng nguyên nhân thực sự của "căn bệnh của nước Anh" là do thiếu sự cạnh tranh trong nền kinh tế nội địa, vốn là một nền kinh tế liên minh trong những năm giữa các cuộc chiến và được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh quốc tế trong những thập kỷ sau chiến tranh.

Theo ông Nicholas Crafts, bà Thatcher xứng đáng được ghi nhận đối với việc tự do hóa thị trường và bãi bỏ quy định đối với các ngành công nghiệp, nhưng được trợ giúp bởi việc các công ty chịu áp lực cạnh tranh quốc tế lớn hơn từ việc gia nhập EEC và việc thành lập Thị trường chung châu Âu vào giữa những năm 1980. Ông cho rằng việc Anh không tham gia khi EEC được thành lập năm 1957 đã phải trả một cái giá đáng kể về năng suất.

Nếu tác động của việc rời EU ngược lại với việc gia nhập EU, những ảnh hưởng đó sẽ không phải là một cuộc suy thoái nhanh chóng và đau đớn, mà sẽ là một cuộc suy thoái âm ỉ và ngày càng nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục