Thí điểm đo kiểm khí thải xe máy: Cần thay đổi giải pháp để nhân rộng

Theo giới chuyên gia môi trường, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, giải pháp đặt ra là cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân và có phương án hỗ trợ khả thi về đổi xe máy cũ lấy xe mới.
Thí điểm đo kiểm khí thải xe máy: Cần thay đổi giải pháp để nhân rộng ảnh 1Khí thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau một thời gian triển khai chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội,” hơn 5.000 phương tiện đã được “khám bệnh.” Tuy vậy, với khoảng trên 5,7 triệu xe máy đang lưu hành thì đây vẫn là con số còn rất khiêm tốn, đòi hỏi phải có những sự điều chỉnh phù hợp.

Việc làm cần thiết, nhưng...

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Đào Thị Anh Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết kết thúc chương trình thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ, Chi cục đã đo kiểm được gần 5.200 xe, trong khi chỉ tiêu đề ra ban đầu là 3.000-5.000 xe.

“Như vậy, kết quả thực hiện chương trình đã vượt chỉ tiêu,” bà Điệp nhấn mạnh.

Như bà Điệp chia sẻ, với hơn 5.000 mô tô, xe gắn máy cũ đã được đo kiểm trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, với khoảng trên 5,7 triệu xe máy, trong đó khoảng 2 triệu xe cũ (số liệu tính đến tháng 3/2019) thì số xe mới đo kiểm được vẫn còn rất khiêm tốn.

Đáng nói là trong tổng số khoảng 2 triệu xe cũ, nát, số trường hợp đủ điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chia sẻ với người viết, nhiều người dân cho rằng đây là chủ trương hay, phù hợp với đất nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng thực tế cũng rất khó thực hiện, bởi với những người lao động nghèo, xe máy cũ là phương tiện “kiếm cơm” chính.

[Hà Nội bố trí 24 điểm hỗ trợ tư vấn, chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ]

Chị Nguyễn Thị Mai, một người bán hàng rong bằng xe máy trên đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ giữa tháng 11 vừa qua, nghe hàng xóm rủ nhau đi đo khí thải xe máy để đổi xe mới, chị cũng tò mò. Nhưng công việc bận quá, chưa kịp quyết thì hàng xóm đi về bảo mất thêm vài trăm ngàn nên lại thôi!

“Với nhiều người, vài ba trăm nghìn đồng là số tiền nhỏ, nhưng với những người lao động bán hàng rong như chị đây, 200.000 đồng là số tiền phải nghĩ, đủ để nuôi sống gia đình trong vài ngày. Chưa kể khí thải của xe không đạt cũng đã bị xử phạt, cấm sử dụng đâu, nên đợi khi nào kinh tế ổn hơn, rồi tính,” chị Mai chia sẻ.

Đối với chương trình hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới, anh Nguyễn Đình An (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho rằng chương trình “nghe rất hay” nhưng với người nghèo, người không có nhu cầu đổi xe, thực tế lại rất khó để tham gia.

Lý do, theo anh An, bên cạnh việc phải đảm bảo các quy định như đăng ký lần đầu trước năm 2002 và đăng ký tại Hà Nội; xe máy hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký, người dân sẽ phải bỏ ra thêm khoản tiền khoảng 17, 18 triệu đồng để mua xe mới. Với người nghèo, đây là số tiền không hề nhỏ.

…cần giải pháp đồng bộ hơn

Nhiều ý kiến cho rằng việc các đơn vị chức năng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới trong bối cảnh hiện trạng môi trường đang bị nhiễm bẩn hiện nay là điều rất cần thiết, đáng hoan nghênh.

Thí điểm đo kiểm khí thải xe máy: Cần thay đổi giải pháp để nhân rộng ảnh 2Khí thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, Hà Nội cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân cũng như nghiên cứu phương án hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Các cơ quan chức năng cũng cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển các loại phương tiện này để thu hút người dân sử dụng, từng bước hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Về phía đơn vị tổ chức, bà Đào Thị Anh Điệp cho biết trên cơ sở kết quả triển khai đo kiểm và thu/đổi mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường đang xem xét, đánh giá lại quá trình triển khai; từ đó sẽ đề xuất giải pháp cũng như phân trách nhiệm của các sở, ngành để ban hành kế hoạch cụ thể.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn tổng hợp số liệu,” bà Điệp nói thêm.

Cũng theo đại diện đơn vị tổ chức, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ, nhằm mục đích xây dựng chính sách, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Thực tế triển khai hiện nay cho thấy việc thu hồi xe cũ rất quan trọng, là cơ hội để xây dựng những chính sách, quy định, gỡ bỏ các rào cản cho phù hợp. Nếu chỉ quy định một nhà sản xuất phải thu hồi xe cũ, nhưng khách hàng không muốn, đến một thời điểm nào đó khách hàng muốn thì vướng nhiều rào cản về thủ tục pháp lý.

“Do đó, mục tiêu của chương trình thí điểm được đưa ra là ghi nhận ý kiến người dân, các thách thức khó khăn hiện có của đại lý... trong việc tổ chức thu đổi xe cũ và tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi xe mới. Đây cũng sẽ là bài học rất giá trị để xây dựng chính sách cho phù hợp,” đại diện đơn vị tổ chức nhấn mạnh.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết trong các năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở một số đô thị có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM10, PM2.5 gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Vì thế, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ của Hà Nội là hoạt động quan trọng nhằm thu thập thông tin về mức phát thải của xe máy đang lưu hành, cũng như đánh giá được mức hiệu quả của việc sửa chữa.

Theo đó, kết quả của chương trình sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bên cạnh việc triển khai tại Hà Nội, chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy đã được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là Đà Nẵng. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy tại 3 thành phố lớn.

Mục tiêu là để đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ, đến chất lượng không khí đồng thời là cơ sở khoa học để hỗ trợ việc xây dựng, thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục