Thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar - Tổng thống Afghanistan tiềm năng

Thủ lĩnh Taliban phụ trách các vấn đề chính trị Abdul Ghani Baradar đang lọt vào tầm ngắm của dư luận và được đồn đoán có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Afghanistan.
Thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar - Tổng thống Afghanistan tiềm năng ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar trong cuộc đàm phán với đại diện Chính phủ Afghanistan ở Doha, Qatar ngày 18/7. (Nguồn: AFP)

Theo mạng Quan sát Thượng Hải, cùng với việc Taliban tiến vào chiếm thủ đô Kabul, tình hình ở Afghanistan đã thay đổi rõ rệt, sự thay đổi quyền lực đã được định hình.

Cùng với đó, thủ lĩnh Taliban phụ trách các vấn đề chính trị Abdul Ghani Baradar đang lọt vào tầm ngắm của dư luận và được đồn đoán có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Afghanistan.

Vậy Baladar là ai? Nếu ông ta được chọn thì điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với Afghanistan?

Bộ mặt của Taliban

Mặc dù thủ lĩnh tối cao của Taliban ở Afghanistan là Haibatullah Ahnzada, nhưng vai trò của Ahnzada là lãnh tụ tinh thần. Còn “nhân vật thứ hai” Baradar gần đây thường xuyên xuất hiện và được coi như một nhà lãnh đạo chính trị thực thụ.

Theo tờ The Wall Street (Mỹ), thế giới bên ngoài vẫn chưa biết nhà lãnh đạo mới của Afghanistan là ai và họ sẽ lãnh đạo đất nước như thế nào. Nhưng nếu Taliban có một bộ mặt thì đó chính là Baradar.

Có thông tin Baradar đã rời Doha trở về Kabul vào tối 15/8. Trước đó cùng ngày, sau khi Taliban tiến vào Kabul, một đoạn video về bài phát biểu của Baradar đã được đăng trên mạng xã hội.

Người đứng đầu ủy ban chính trị Taliban đã có một bài phát biểu ngắn gọn. Trong lần xuất hiện chính thức đầu tiên này, nhà lãnh đạo chính trị có vẻ ngoài nghiêm túc, kêu gọi mọi người bình tĩnh, cam kết phục vụ đất nước và yêu cầu các tay súng duy trì và bảo vệ cuộc sống của người dân địa phương.

[Tình hình Afghanistan: Taliban bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Quốc phòng]

Ông nói: “Chúng tôi đã giành một chiến thắng bất ngờ. Giờ là lúc để kiểm nghiệm và chứng minh. Chúng tôi phải chứng minh rằng chúng tôi có thể phục vụ đất nước và đảm bảo sự an toàn cho người dân.”

Bản năng chính trị

Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan và lớn lên tại Kandahar, thành phố ở miền Nam Afghanistan và là nơi khai sinh phong trào Taliban.

Giống như hầu hết người Afghanistan, Baradar lớn lên trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã gặp “độc nhãn tướng quân” Mullah Mohamed Omar.

Baradar rất được Omar tin tưởng, cả hai đã sát cánh chiến đấu và hợp tác với những gương mặt khác để phát triển Taliban trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Theo các phương tiện truyền thông như tờ The Guardian (Anh), Baradar cũng đóng vai trò quan trọng giúp Taliban chiếm đóng và tiếp quản quyền lực vào năm 1996, đồng thời chịu trách nhiệm về quân sự và hành chính trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tình hình ở Afghanistan đã thay đổi rõ rệt sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Khi đó, Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan và lật đổ chính quyền Taliban mà Mỹ xác định là nơi che chở cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Kể từ đó, tình hình Afghanistan liên tục biến động. Tuy nhiên, Taliban không từ bỏ chiến đấu.

Theo tờ New York Times (Mỹ), năm 2009, Baradar đã ra lệnh cho binh lính Taliban mang theo một cuốn sổ để ghi lại những “quy tắc ứng xử” nhằm lấy lòng người dân.

Những quy tắc này bao gồm các khuyến nghị làm thế nào để tránh thương vong cho người dân và giảm thiểu các cuộc tấn công liều chết.

Có ý kiến cho rằng điều này phản ánh bản năng chính trị của Baradar: Taliban phải mở rộng cơ sở ủng hộ của quần chúng.

Tuy nhiên, theo The Guardian, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó quan tâm đến chuyên môn quân sự của Baradar hơn là khuynh hướng ôn hòa của ông ta.

Năm 2010, Baradar bị bắt trong một chiến dịch chung giữa Mỹ và Pakistan ở Karachi, miền Nam Pakistan. Sau đó, Baradar bị giam trong một nhà tù ở Pakistan gần 10 năm.

Năm 2018, khi chính quyền Donald Trump có kế hoạch rút khỏi Afghanistan, Baradar đã được trả tự do. Zalme Khalilzad, đặc phái viên của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ về các vấn đề hòa giải ở Afghanistan, cho rằng Baradar sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

The Guardian trích dẫn nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Baradar là một trong những thủ lĩnh tương đối ôn hòa của Taliban, và do đó là một trong những nhà đàm phán giỏi nhất.

Các quan chức cấp cao của Afghanistan hy vọng những nhân vật cấp cao như ông ta có thể thuyết phục Taliban đàm phán với Kabul.

Trưởng đại diện đàm phán hòa bình

Sau đó, Baradar đến Qatar và tiến hành đàm phán hòa bình với Mỹ với tư cách Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Taliban. Kể từ đó, danh tiếng quốc tế của Baradar và ảnh hưởng ngoại giao của Taliban bắt đầu tăng.

Tháng 2/2020, chính quyền Trump và Taliban đã đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan. Khalilzad và Baradar đã đại diện cho hai bên ký thỏa thuận này.

Một tháng sau đó, Trump và Baradar đã điện đàm thảo luận về tình hình Afghanistan, đây là cuộc đối thoại công khai đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và thủ lĩnh Taliban kể từ khi bùng nổ chiến tranh ở Afghanistan.

Tháng 9/2020, Baradar gặp Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo tại Qatar. Mới đây nhất, tháng 7/2021, Baradar cũng dẫn đầu một phái đoàn thăm Trung Quốc và gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Theo tờ Telegraph (Anh), giống như nhiều thủ lĩnh Taliban, Baradar cũng là một nhân vật bí ẩn. Mọi người cho rằng Baradar không biết tiếng Anh và không thu hút giới truyền thông, mà chủ yếu thông qua tuyên bố chính thức và nhiều lần trích dẫn Kinh Quran.

Cũng có bình luận cho rằng đằng sau một nhà ngoại giao bóng bẩy là một vị chỉ huy quân sự từng trải qua nhiều trận chiến, Baradar có tín ngưỡng tôn giáo mạnh mẽ đối với việc làm thế nào để thay đổi thế giới này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục