Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 13/8 thông báo các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp với đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) theo đường lối trung tả đã thất bại, mở đường cho cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn tại nước này, trong bối cảnh Ankara đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Ngày 13/8, phát biểu tại trụ sở đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền sau cuộc gặp kéo dài hơn 1 giờ với lãnh đạo đảng CHP vốn được coi là cơ hội cuối cùng để thành lập liên minh, Thủ tướng Ahmet Davutoglu thông báo hai bên đã thất bại trong việc đảm bảo một "cơ sở thuận lợi" để thành lập chính phủ.
Ông Davutoglu cho biết các nhà đàm phán AKP đã đề nghị thành lập một "chính phủ cải cách trung hạn" với đảng CHP, song không nhận được sự đồng thuận. Ông cho rằng khả năng phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn là rất cao, thậm chí đây là lựa chọn duy nhất. Ông đánh giá AKP có thể độc lập thành lập một chính phủ thiểu số với 18 ghế trong khi chờ bầu cử.
Về phần mình, lãnh đạo đảng CHP Kemal Kilicdaroglu cho biết "không hề" nhận được đề nghị liên minh từ ông Davutoglu, mà chỉ được phép lựa chọn hoặc thành lập một chính phủ ngắn hạn chờ bầu cử trước thời hạn hoặc ủng hộ chính phủ thiểu số của AKP. Ông Kilicdaroglu đã bác bỏ điều kiện này từ AKP và cho rằng đảng cầm quyền rõ ràng không hề muốn thành lập liên minh dài hạn và bền vững trong vòng bốn năm với CHP.
Tuy Thủ tướng Davutoglu chưa thông báo thời điểm tiến hành bầu cử, song các nhà quan sát dự đoán sự kiện này có thể diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, và có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị nghiêm trọng hơn.
Thông tin về khả năng phải tổ chức bầu cử trước thời hạn đã làm suy yếu các thị trường, khiến đồng lira mất giá kỷ lục tới 1,85% giá trị so với đồng USD.
Theo các nhà phân tích, tình trạng biến động chính trị và bất ổn xã hội tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài ít nhất thêm 4-5 tháng nữa, đe dọa tiêu cực tới tâm lý tiêu dùng và sức hút đầu tư.
Trong cuộc bầu cử ngày 7/6 vừa qua, lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Davutoglu đã mất thế đa số để độc lập thành lập chính phủ. Do đó, AKP sẽ phải tiến hành đàm phán với từng đảng trong số ba đảng có chân trong quốc hội khóa mới, gồm CHP, đảng Phong trào Nhân dân (MHP) và đảng Dân chủ của người Kurd (HDP).
Tuy nhiên, cho tới nay ba đảng đối lập vẫn từ chối gia nhập chính phủ liên minh cùng đảng AKP trừ phi ông Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từ bỏ hy vọng về một hệ thống quyền lực tối cao của tổng thống.
Ông Erdogan từng bị cáo buộc lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình để chi phối các vấn đề trong quốc hội, bất chấp quy định cấm của hiến pháp, song ông luôn khẳng định chỉ hành động trong khuôn khổ thẩm quyền cho phép./.