Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm

Giới chuyên gia thuộc Công ty Maybank Research Pte Ltd có văn phòng tại Singapore giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 4% và 6% cho năm 2024.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm ảnh 1Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lần đầu tiên đạt được tốc độ ổn định trong ba quý, cho thấy các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ đang giúp ích cho nền kinh tế của quốc gia, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại. Đây là nhận định trong bài viết mới đây của trang tin Bloomberg.

Theo tuyên bố ngày 29/6 của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm nội địa trong ba tháng gần đây nhất đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Việt Nam được giao dịch thấp hơn 0,2% vào lúc 9h27 sáng ngày 29/6 theo giờ địa phương, trong khi đó đơn vị tiền đồng cũng có ít thay đổi.

Đã có nhiều tín hiệu khả quan xuất hiện sau một loạt đợt cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của Việt Nam, quốc gia được cho là có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Chính phủ Việt Nam đã công bố giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực, đồng thời giảm một nửa phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.

Ngoài ra,Tổng cục Thống kê cũng công bố các con số đáng chú ý khác. Cụ thể, lạm phát ở Việt Nam đã giảm xuống mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, từ mức 2,43% hồi tháng 5 và giảm so với ước tính trung bình là 2,1%.

Dữ liệu thương mại tiếp tục cho thấy sự chững lại, khi xuất khẩu giảm 11,4% so với cùng kỳ trong tháng 6 và nhập khẩu giảm 16,9%.

Tổng cho vay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng 3,13% tính đến ngày 20/6 so với cuối năm 2022.

Tổng cục Thống kê cho biết các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các chương trình kích thích du lịch đã cho thấy sự hiệu quả. 

Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt việc gia hạn hiệu lực của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày để thúc đẩy du lịch với nhiều lựa chọn nhập cảnh.

Trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,72%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình khoảng 5,7% trong những năm trước đại dịch. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5%.

Lĩnh vực dịch vụ đã tăng 6,33%, nổi lên như một động lực tăng trưởng chính. Hoạt động xây dựng mở rộng lên mức 4,74%, trong khi sản lượng sản xuất vẫn mờ nhạt với mức tăng 0,37%.

Sự phục hồi bền vững trong lĩnh vực sản xuất là chìa khóa để thúc đẩy hoạt động tổng thể ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế.

[Chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam đạt trên 5%]

Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy ước tính có khoảng 31.000 doanh nghiệp đóng cửa, chờ giải thể trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng thiếu điện trong quý 2 cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên tình trạng này cũng đang được khắc phục và có nhiều tiến triển tốt.

Đã có nhiều sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Dựa vào đó, giới phân tích kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm.

Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn.

Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giới chuyên gia thuộc Công ty Maybank Research Pte Ltd có văn phòng tại Singapore giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4% và 6% cho năm 2024.

Các chuyên gia cũng cho rằng sự sụt giảm xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023 do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng sẽ có sự cải thiện nhẹ trong quý cuối năm. Tiêu dùng trong nước có thể giảm trong những tháng tới trong bối cảnh thị trường lao động yếu.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các nhà phát triển bất động sản, sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính với lượng lớn trái phiếu đáo hạn, nhu cầu thị trường vốn giảm và nhu cầu mua nhà yếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục