Thực hư vụ sạt lở núi tại mỏ đá Hoàng Anh ở Điện Biên

Tại sườn núi nơi Công ty Hoàng Anh đang khai thác đá, khoảng 30.000-40.000m3 đá từ đỉnh núi đã bị sạt xuống chân núi, vùi lấp một chiếc máy xúc đã hỏng từ trước đó.

Những ngày gần đây, tại khu vực lòng chảo Điện Biên xuất hiện thông tin về vụ hàng chục ngàn m3 đá từ trên núi bị sạt lở; địa điểm xảy ra vụ việc thuộc khu vực khai thác đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), chôn vùi một chiếc máy xúc.

Có mặt tại khu vực mỏ đá của Công ty Hoàng Anh tại bản Ka Hâu 2 (xã Na Ư, huyện Điện Biên), phóng viên TTXVN đã chứng kiến hiện trường vụ việc. Tại sườn núi nơi đang khai thác đá, khoảng 30.000-40.000m3 đá từ đỉnh núi đã bị sạt xuống chân núi, vùi lấp một chiếc máy xúc đã hỏng từ trước đó.

Ông Trần Đăng Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh, cho biết cách đây khoảng hai tháng, đơn vị đã phát hiện ra những vết nứt trượt, có thể gây nguy hiểm cho quá trình khai thác. Công ty đã mời chuyên gia từ Liên đoàn Mỏ-Địa chất Việt Nam tư vấn phương án giải quyết. Sau đó, đơn vị đã thực hiện theo phương án cho nổ mìn để đánh sạt toàn bộ số đá trên đỉnh núi đang trong tình trạng nguy hiểm xuống chân núi, đảm bảo khai thác an toàn.

Đến thời điểm đêm 29 và ngày 30/11, toàn bộ khối đá trên đã lở xuống chân núi an toàn.

Về chiếc máy xúc bị vùi lấp, ông Ninh cho biết đây là chiếc máy bị hỏng từ trước, đang chờ phụ tùng để sửa chữa. Tuy nhiên, khi phát hiện tình trạng nguy hiểm trên, công ty đã nghiêm cấm công nhân trong đơn vị vào khu vực nguy hiểm để kéo máy ra. Đây là chiếc máy đã sử dụng 7 năm, khấu hao hết giá trị sử dụng.

Công ty Hoàng Anh đã thực hiện phương thức, quy trình khai thác theo đúng quy định của các cơ quan chức năng là quy trình khai thác khấu xuất. Tuy nhiên, sau khi xảy ra tình trạng trên, đơn vị đang xây dựng phương án để khai thác theo quy trình tạo tầng - một quy trình đầu tư khá tốn kém nhưng an toàn hơn quy trình khai thác hiện nay.

Như vậy, vụ việc xảy ra tại mỏ đá Hoàng Anh trong những ngày vừa qua thực chất không phải là tai nạn lao động. Đây là phương án của đơn vị quản lý nhằm xử lý tình huống do yếu tố khách quan xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục