Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai: Cơ hội thúc đẩy kết nối hai miền

Chỉ có bước tiến tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể giúp hiện thực hóa các quan hệ hợp tác liên Triều.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai: Cơ hội thúc đẩy kết nối hai miền ảnh 1Các hình ảnh do báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đăng phát về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 27/2/2019. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Những tiến bộ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà Nội có thể giúp hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác liên Triều.

Đó là nhận định của báo Le Monde số ra ngày 27/2 về sự kiện chính trị đang được cả thế giới quan tâm.

Theo ông Shin Myung-seob, Tổng Giám đốc Văn phòng hợp tác vì hòa bình của tỉnh Gyeonggi thuộc Hàn Quốc, một trong những tin vui đối với người Hàn Quốc là họ có thể được thưởng thức mỳ naengmyeon yêu thích - món ăn đặc sản của Triều Tiên - tại một chi nhánh của nhà hàng nổi tiếng ở Bình Nhưỡng sắp mở cửa ở phía Nam Khu phi quân sự (DMZ).

[Hàn Quốc kỳ vọng bước tiến trong hợp tác lâm nghiệp liên Triều]

Ông Shin Myung-seob cho biết: "Có một dự án nhượng quyền thương mại và các thành phố đang chạy đua để nhận được dự án này." Tuy nhiên, dự án nhượng quyền đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt dành cho Triều Tiên.

Ông Shin Myung-seob cho biết việc đưa một đầu bếp Triều Tiên đến và chuyển tiền hiện không thể thực hiện được. Dù vậy, sáng kiến này cho thấy chính sách hợp tác liên Triều, khởi xướng vào đầu năm 2018, được kỳ vọng ở tất cả các cấp.

Chỉ có bước tiến tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể giúp hiện thực hóa các quan hệ hợp tác liên Triều.

Trong khi chờ đợi, các tỉnh dọc theo DMZ đang tìm cách tận dụng tối đa các cơ hội hiện có và chuẩn bị cho các cơ hội trong tương lai. Họ liên hệ trực tiếp với phía Triều Tiên, thảo luận về viện trợ y tế và hợp tác trong việc trồng cây ăn quả.

Các nhà lãnh đạo tỉnh Gyeonggi còn muốn tạo ra một đặc khu kinh tế trên bờ biển Hoàng Hải ở phía Tây của tỉnh và sát khu vực DMZ để chuẩn bị cho các dự án liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội đồng thành phố Seoul cũng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng với Bình Nhưỡng. Một kế hoạch phát triển kinh tế cấp nhà nước đã sẵn sàng. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang củng cố nguồn lực được phân bổ cho các dự án với Triều Tiên.

Cheong Seong-Chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong nhận xét: "Quan điểm của người Hàn Quốc về Triều Tiên ngày nay tích cực hơn trước rất nhiều." Đây là bước tiến có được nhờ sự kiên trì của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chủ nghĩa hòa bình của ông.

Biểu hiện đầu tiên của sự ấm lên trong quan hệ liên Triều chính là sự hiện diện của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Pyeongchang hồi tháng 2/2018. Kể từ đó, Tổng thống Hàn Quốc không ngừng thực hiện các nỗ lực, liên tục đưa ra các sáng kiến nhằm tiến đến khả năng thống nhất hai miền.

Ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã được tổ chức trong năm 2018 với nhiều cam kết trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc đã thiết lập mối quan hệ thân mật với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và nổi lên như một trung gian hòa giải giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã diễn ra trong niềm xúc động của người dân hai miền. Một văn phòng liên lạc Hàn Quốc đã được mở tại Kaesong thuộc Triều Tiên.

Trong lĩnh vực thể thao, hai miền đã thành lập các đội tuyển thống nhất và nộp hồ sơ chung giữa Bình Nhưỡng và Seoul để xin đăng cai Thế vận hội Olympic năm 2032. Ngân sách năm 2019 của Quỹ hợp tác chính phủ liên Triều đã tăng 14%, lên đến 1.100 tỷ won.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa đến thăm Seoul và hợp tác kinh tế giữa hai miền vẫn “giậm chân tại chỗ.” Theo nhà nghiên cứu Kim Duyeon tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, bước đầu tiên đã được thực hiện, nhưng bước thứ hai còn phải phụ thuộc vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội.

Để tiếp tục quan hệ hợp tác liên Triều, Seoul đề xuất một "cơ chế đặc biệt," trong đó đáng chú ý là việc khôi phục mạng lưới đường sắt hoặc khởi động lại khu công nghiệp Kaesong cũng như các tour du lịch núi Kumgang.

Các dự án trên vẫn là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều, đồng thời là công cụ có tầm quan trọng hàng đầu trong chính sách đối nội của Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục