Với việc bùng phát dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, hàng nghìn thuyền viên Việt Nam làm việc trong ngành vận tải biển đang bị mắc kẹt và chưa thể hồi hương bởi chính sách hạn chế đi lại giữa các lãnh thổ.
Mắc kẹt vì đại dịch COVID-19
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), thời điểm cuối tháng 10/2020 có đến gần 2.150 sỹ quan, thuyền viên mắc kẹt ở nước ngoài hoặc chuẩn bị hết hạn hợp đồng lao động cần sự hỗ trợ để hồi hương. Hiện Cục Hàng hải chưa cập nhật số lượng mới thuyền viên bị mắc kẹt bởi có những trường hợp đã rời tàu nhưng không có chuyến bay về nước.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đường bay thương mại từ các nước đến Việt Nam hiện tạm dừng nên việc thay thế thuyền viên bị ngắt quãng. Các tuyến bay quốc tế từ Việt Nam vẫn chưa được mở lại nên chưa thể đưa thuyền viên sang cảng nước ngoài thay thế. Hầu hết thuyền viên đang làm việc trên tàu biển nước ngoài 14-15 tháng, quá dài so với thời hạn 9-12 tháng theo Công ước Lao động Hàng hải quốc tế MLC 2020.
Đại diện một công ty vận tải biển chạy tuyến đường dài tại Hải Phòng cho biết đã liên tục gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nhờ hỗ trợ, đăng ký cho thuyền viên hồi hương trên những chuyến bay cứu trợ.
“Khó khăn lớn nhất là số lượng người đăng ký trong các chuyến bay cứu trợ hồi hương đông nên thời gian đặt chỗ rất lâu, có thể từ 1-2 tháng. Mặt khác, việc khớp lệnh giữa thời gian bay với thời gian tàu cập cảng quốc gia có chuyến bay cứu trợ cũng là vướng mắc lớn, thuyền viên đối diện với nguy cơ lỡ chuyến,” đại diện công ty này cho hay.
Chưa kể, nếu lựa chọn giải pháp thay thuyền viên tại Việt Nam, đối với tàu thuyền vào cảng để bốc dỡ hàng hóa rất thuận lợi. Tuy nhiên, đối với tàu thuyền chỉ ghé vào cảng để thay thuyền viên mà không bốc dỡ hàng hóa, chủ tàu phát sinh rất nhiều chi phí như phí cảng biển, chi phí nhiên liệu, chi phí ngày thuê tàu, phí kiểm dịch…
[Bộ Ngoại giao: Đảm bảo an toàn, quyền lợi cho các thuyền viên Việt Nam]
Theo ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Hàng hải Liên Ninh, năm 2020 có khoảng 200 thuyền viên do đơn vị xuất khẩu phải ở trên tàu quá 10 tháng nên phải đưa về nước bằng đường biển. Song ông thừa nhận, chi phí để tàu không hàng và đưa người về rất lớn, chỉ riêng chi phí tại cảng trong nước đều hơn 10.000 USD/tàu.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho thuyền viên về nước, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản tổng hợp vướng mắc khó khăn, đề xuất giải pháp gửi Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016 quy định đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50-70% mức phí, lệ phí theo quy định.
Ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho thuyền viên
Theo đại diện các doanh nghiệp vận tải biển, hiệp hội chủ tàu có lao động là thuyền viên, đội tàu biển Việt Nam không chỉ thay người tại Việt Nam mà có những tàu liên tục hoạt động ở nước ngoài, thay thuyền viên tại nước ngoài. Do đó, các đơn vị này kiến nghị thuyền viên được tiêm vaccine phòng COVID-19 để làm “hộ chiếu vaccine” nhằm đi lại thuận lợi giữa các nước, để lên bờ và thay đổi thuyền viên.
Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước đưa thuyền viên Việt Nam - một trong những đối tượng lao động đặc thù đã quy định trong Bộ luật Lao động vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 nhằm giúp hoạt động thay thế thuyền viên và kinh doanh vận tải biển diễn ra trôi chảy, góp phần vào khôi phục và ổn định nền kinh tế của đất nước.
Nhìn nhận thuyền viên là những người có khả năng nhiễm và lây lan dịch bệnh COVID-19 cao nhất do đặc thù công việc mang tính chất quốc tế, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Việt Nam đã gửi thư về sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi và an toàn tuyệt đối cho thuyền viên.
Tại thư gửi đi, ông Sang đề nghị Tổng thư ký IMO nghiên cứu, có ý kiến với chính phủ các nước thành viên nên có chính sách đưa thuyền viên và nhân sự hàng hải của quốc gia mình vào danh sách ưu tiên được tiêm vaccine COVID-19.
“Chính phủ các nước thành viên cũng nên có chính sách dành cho tất cả các thuyền viên và nhân sự hàng hải nước ngoài trên bất kỳ tàu thuyền nào cập cảng khu vực quản lý của các quốc gia đó mà chưa được tiêm vaccine COVID-19 được ưu tiên tiêm vắc xin đầy đủ tại thời điểm tàu thuyền cập cảng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thuyền viên, duy trì tính liên tục của chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Sang kiến nghị.
[11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Việt Nam]
Trả lời thư gửi của Cục Hàng hải Việt Nam, ông Kitack Lim, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) bày tỏ đồng thuận với những ý kiến liên quan đến việc đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho thuyền viên, cũng như những nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên.
Tuy nhiên, ông Kitack Lim cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức liên quan đến việc tiêm phòng cho thuyền viên, do khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của nhiều quốc gia còn hạn chế và vấn đề hậu cần trong việc tiêm vắc xin cho những thuyền viên xa quê hương thời gian dài.
Do đó, IMO đang phối hợp với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ ưu tiên cho các thuyền viên của quốc gia mình trong chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn qua biên giới.
“Một Tuyên bố chung đang được xây dựng bởi các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới,” ông Kitack Lim nói./.