Đại lễ Phật đản ở TP.HCM: Không tổ chức lễ đài tập trung

Tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đại lễ Phật đản năm nay không tổ chức lễ đài tập trung, rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng và các hình thức tập trung đông người khác.
Tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi lễ. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN).

Sáng 7/5 (tức ngày 15/4 Âm lịch), tại Việt Nam Quốc Tự (Thành phố Hồ Chí Minh), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 (dương lịch 2020).

Đại lễ Phật đản là lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới; một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt đối với tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đại lễ Phật đản năm nay không tổ chức lễ đài tập trung, rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng và các hình thức tập trung đông người khác.

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2654 tại Việt Nam Quốc Tự được chuyển tải trực tuyến trên một số phương tiện truyền thông cho các cơ sở tự viện, tăng ni, phật tử trên toàn Thành phố cùng tham dự, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2564 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng Giáo hội Phật giáo]

Nêu bật ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngày Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh, những lời dạy của Đức Phật về sự đoàn kết, sự đồng thuận xã hội vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay khi nhân loại đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19.

Mỗi quốc gia, mỗi công dân của một đất nước phải trở về với hành động chính niệm trong sự tỉnh thức, nhìn nhận về văn hóa sinh hoạt, về ý thức đồng thuận trong xã hội.

Tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2 Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564 năm nay không tổ chức lễ đài tập trung, rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng và các hình thức tập trung đông người. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng Minh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ bày tỏ lời khen ngợi tăng ni, các chùa, cơ sở tự viện, đồng bào phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã tin tưởng, đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chấp hành tốt các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ngăn ngừa sự lây nhiễm trong phòng, chống dịch COVID-19.

“Để báo đáp thù ân của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, tôi mong muốn toàn thể chư tôn đức tăng ni, cư sỹ, đồng bào phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài bằng các hành động thiết thực đóng góp sức mình cùng toàn xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh.

Trong diễn văn tuyên đọc tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 - dương lịch 2020, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh, mùa Phật đản Phật lịch 2564 năm nay diễn ra trong thời điểm thế giới xảy ra những tổn thất nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, thông điệp của Đức Phật về giáo lý Duyên khởi là nền tảng cho sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ hành tinh trước sự hủy hoại của biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sinh ra dịch bệnh, và giáo lý về lòng từ bi, trí tuệ càng thôi thúc chúng ta phải mở rộng tình thương yêu, đùm bọc, chở che đồng loại, đặc biệt là đối với những thành phần đang cần sự giúp đỡ trong xã hội.

Nhân mùa Phật đản, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ mong muốn tăng ni, phật tử Việt Nam, các ban, viện trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tích cực trong công tác Phật sự ích đạo lợi đời.

Tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564 tại Việt Nam Quốc tự thưa vắng phật tử vì đảm bảo các yêu cầu y tế phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong bối cảnh thực tế do tác động của đại dịch, mọi người cần tiếp tục nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Phật giáo nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, kết nối và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua ngoại giao văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những ngày qua, nhiều đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm, chúc mừng các đại lão Hòa thượng, chư Tôn đức giáo phẩm Phật giáo, tăng ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân mùa Phật đản Phật lịch 2564./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục