TP Hồ Chí Minh: Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự đóng góp của lực lượng y tế

Nhiều cá nhân và tập thể của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã được vinh danh tại Lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh: Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự đóng góp của lực lượng y tế ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 26/2, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022).

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thử thách khi ứng phó với đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh sức khỏe tính mạng người dân bị đe dọa nguy cấp, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đồng lòng quyết tâm vượt qua đại dịch, đồng thời quan tâm bảo vệ hệ thống y tế không để bị suy sụp. Chính lúc này, toàn ngành Y tế là lực lượng chủ chốt, dũng cảm xông pha ra tuyến đầu chống dịch cứu dân.

Chứng kiến ngày tháng cam go tưởng chừng không thể vượt qua, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những phẩm chất cao quý của thầy thuốc được nhìn thấy rất rõ, nổi bật qua 4 điểm, đó là tinh thần đoàn kết trong sáng, nhất hô bá ứng, toàn hệ thống không phân biệt vị trí, thứ bậc, tuổi tác, vùng miền, đương chức hay nghỉ hưu đều có chung sứ mệnh thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm đơn thuần vì sức khỏe và tính mạng đồng bào trong cơn nguy khó.

Bên cạnh đó, là tình thương yêu người bệnh sâu sắc khi đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các thế hệ thầy thuốc âm thầm, lặng lẽ trên từng vị trí, tùy theo điều kiện, mỗi người đều có cách đóng góp riêng nhưng chung tấm lòng yêu thương bệnh nhân tha thiết. Nhiều người gửi lại thân nhân xung phong vào nơi tâm dịch, bất chấp nguy hiểm, nhiều người không về kịp lễ tang cha, mẹ, hoãn ngày cưới...

Ngoài ra, lực lượng y tế còn góp phần xây dựng nền y học Việt Nam bởi trong quá trình phòng chống dịch có lúc tình huống xuất hiện nhanh, vượt qua kế hoạch dự tính, vượt qua khung pháp lý hiện hành tạo ra sự quá tải toàn diện nhưng các thầy thuốc vẫn bình tĩnh, bản lĩnh, không rời xa các nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn.

Ngành Y tế đã huy động sức mạnh toàn hệ thống, kết hợp đông tây y, dân quân y, công tư, nhất là huy động lực lượng trí thức, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia kiểm soát đại dịch.

[Nhiều xã, phường ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng cấp độ dịch]

Cùng với đó, trong mọi hoàn cảnh, các thầy thuốc luôn tìm tòi, sáng tạo, linh hoạt ứng phó đại dịch; luôn quan tâm chăm sóc các bệnh khác nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều mô hình, phương pháp mới trong điều trị, phác đồ được thay đổi nhằm thích ứng với tình huống dịch bệnh tăng cao.

Bày tỏ sự biết ơn đội ngũ y tế thành phố và cả nước, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước là sự tưởng thưởng xứng đáng cho đại diện nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã cống hiến, hy sinh nhưng cũng không thể kể hết được. Đồng thời nhấn mạnh lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ.

Đánh giá đại dịch đã làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, theo ông Nguyễn Văn Nên, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch, trong đó xác định chiến lược y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, là nền tảng cho các kế hoạch khác.

Đối với đội ngũ y tế, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cần tập trung chăm lo cho lực lượng y tế tuyến đầu, những ngày qua chưa phục hồi sức khỏe, tinh thần sau đại dịch. Tổ chức y tế theo hướng gần dân, thông minh hơn, vừa phổ cập vừa chuyên sâu, nâng cao khả năng dự báo dịch bệnh; chăm lo hệ thống y tế cơ sở, dự phòng. Công tác đào tạo cần đổi mới theo hướng đa dạng, gắn với nhu cầu sử dụng hợp lý, không chỉ chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố mà tính tới cả khu vực phía Nam.

Ngoài ra, bên cạnh phát huy gương sáng y đức cũng cần tăng cường kiểm tra, uốn nắn, sửa chữa và loại bỏ những hạt sạn trong hệ thống, để xây dựng đội ngũ thầy thuốc xứng đáng với nghề cao quý nhất là cứu người.

TP Hồ Chí Minh: Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự đóng góp của lực lượng y tế ảnh 2Các tập thể, cá nhân đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Có mặt giao lưu tại buổi lễ, bác sỹ Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8 cho biết, trong giai đoạn cao điểm, số cuộc gọi cấp cứu mỗi đêm lên đến 100-200 cuộc. Vì các ca mắc COVID-19 hay chuyển nặng vào thời điểm gần sáng nên người dân thường gọi cấp cứu từ 1-5 giờ. “Có thời điểm người quen gọi, tôi không thể bắt máy mà chỉ có thể nghe những số lạ để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân,” bác sỹ Cường nhớ lại.

Trong những ngày cuối tháng 6/2021, bác sỹ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh được chỉ đạo tiếp nhận và đưa Bệnh viện dã chiến số 1 vào hoạt động.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sỹ chỉ có 36 giờ để tổ chức và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Thanh Trường xúc động kể, khi bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân, ngay lập tức đã có rất nhiều đoàn xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới. Tất cả các y, bác sỹ đều làm việc từ 17 giờ đến 5 giờ sáng để tiếp nhận, thu dung các bệnh nhân. Nhìn sự lăn xả của các đồng nghiệp mà anh cảm thấy nghẹn lòng, nhiều khi muốn bật khóc nhưng phải cố kìm nén cảm xúc của mình để động viên anh, em.

Dịp này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng nhiều cờ thi đua, huân chương, bằng khen cấp nhà nước tới các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều đóng góp nổi bật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng; Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; Phó giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115; Phó giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cùng 7 tập thể khác từ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhân dân 115 đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. 

Ngoài ra, 21 tập thể và 108 cá nhân khác thuộc lực lượng y tế của Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong đợt này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục