Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố về nhu cầu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trên địa bàn.
Từ nay đến tháng 6/2024, Thành phố Hồ Chí Minh cần hơn 1,7 triệu liều của 12 loại vaccine phục vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng.
Cụ thể, Thành phố cần nhiều nhất là vaccine bại liệt uống (OPV) với 247.940 liều, vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) cần 184.510 liều…
Thành phố Hồ Chí Minh cần 118.939 liều vaccine sởi, 126.379 liều vaccine sởi-rubella, 100.673 liều vaccine viêm não Nhật Bản, 143.389 liều vaccine uốn ván, 104.466 liều vaccine viêm gan B, 191.224 liều vaccine lao... phục vụ tiêm chủng cho trẻ em trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng từ nay đến tháng 6/2024.
[Tiếp tục bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng]
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc rà soát, báo cáo nhu cầu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng thực hiện liên quan đến Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng Mở rộng.
Trong đó, giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, báo cáo nhu cầu gửi Bộ Y tế.
Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, từ năm 2022, tình hình thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương.
Sở Y tế Thành phố đã có nhiều văn bản báo cáo về tình hình trên, đề nghị Bộ Y tế cung ứng bổ sung vaccine thực hiện tiêm chủng cho trẻ nhỏ trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, cơ quan này hiện không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình Tiêm chủng Mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương./.